VN: Phát hiện bãi đá cổ chưa từng thấy giữa rừng thẳm
VTC
News) - Mới đây, ông Trần Ngọc Lâm, người sống hơn 10 năm nay trên đỉnh
Fansipan, xuống núi thông báo với tôi rằng, ông đã phát hiện một bãi đá
có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Ông Lâm đề nghị tôi lập tức
vào trong rừng để tìm hiểu, viết bài, nhằm kêu gọi các nhà khoa học
nghiên cứu, bảo tồn trước khi nó biến mất.
Một hòn đá cổ có hình khắc ở thung lũng Mường Hoa. |
Ông Trần Ngọc Lâm vốn bị bệnh ung thư phổi, bị bệnh viện trả về chờ chết. Tuy nhiên, nhờ có kỳ duyên với các thiền sư Tây Tạng, ông đã học được bài thuốc bí truyền, nên vẫn sống khỏe đến ngày hôm nay.
Để có thuốc chữa bệnh, ông phải định cư trong một cái hang nhỏ trên độ cao 2.900m, gần đỉnh Fansipan. Hàng ngày, ông ngồi thiền trong giá lạnh để cái lạnh âm độ hạn chế sự phát triển của khối u, rồi lang thang đi khắp đại ngàn Hoàng Liên Sơn tìm những cây thuốc quý.
Ông Lâm sống hơn 10 năm nay trong một cái hang trên độ cao 2.900m trên núi Fansipan. |
Hàng ngày, ông lang thang trong rừng Hoàng Liên Sơn để tìm cây thuốc quý. |
Hơn 10 năm trời lang thang trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn, ông Lâm đã phát hiện ra nhiều điều thú vị trong khu rừng ít dấu chân người này.
Trong những lần xuyên rừng đi tìm các loài kỳ hoa dị thảo cùng ông Lâm, đôi lúc, ông cứ úp mở nói với tôi rằng, các nhà khoa học, từ thời Pháp đến bây giờ, vẫn chưa phát hiện hết được bãi đá cổ Sapa. Đâu đó trong khu vườn rộng lớn này, vẫn có những hòn đá có hình khắc cổ…
Vài lần tôi gặng hỏi, nhưng ông Lâm chỉ im lặng. Cho đến gần đây, ông bất ngờ gọi điện bảo tôi lên gấp để đi xem bãi đá cổ có hình khắc trong rừng.
Theo ông Lâm, ông phát hiện bãi đá cổ này từ 3 năm trước, trong một chuyến đi vòng sang bên kia đỉnh Fansipan, sang đất Lai Châu, rồi vòng về Trạm Tôn.
Khi xuyên qua cách rừng vân sam, với những thân cây ngàn tuổi, gốc mấy người ôm, cao 40-50m để tìm nấm phục linh, một loại nấm ngàn năm, giá trị hơn vàng, ông đã phát hiện ra một bãi đá cổ, mà trên mặt những khối đá đều có hình khắc.
Những khối đá này nằm dưới tán rừng pơ-mu ngút ngát tầm mắt. Những khối đá cổ đen xì đen xịt, ẩm ướt có những hình khắc loằng ngoằng, sâu hoắm, đã gây sự chú ý cho “người rừng” Trần Ngọc Lâm.
Sự bảo tồn bãi đá cổ Sapa không khoa học... |
Đã khiến hình khắc trên bãi đá cổ Sapa sắp biến mất. |
Ông Lâm bảo, ông đã từng vài lần đi theo các nhà khoa học vào bãi đá cổ Sapa ở thung lũng Mường Hoa, thuộc các xã Hầu Thào, Tả Van. Ông cũng đã tận mắt cả chục hòn đá có hình khắc ở bãi đá này, nên hiểu đôi chút về những viên đá cổ và những hình khắc cổ xưa.
Do đó, ngay khi tận mắt những khối đá đen xì giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông Lâm biết ngay đây là những hình khắc cổ. Với kinh nghiệm đi rừng, sống với đồng bào dân tộc nhiều năm, ông cũng chắc chắn rằng, những hình khắc này không phải do con người thời hiện đại tạo nên.
Đại ngàn Hoàng Liên Sơn rộng mênh mông, ngút tầm mắt. Những dãy núi đá vôi trập trùng, những thung lũng hiểm trở chỉ có vết chân thú, không có dấu chân người. Những hòn đá cổ đã nằm im lìm giữa sườn núi, trong đại ngàn hàng triệu năm nay.
Ông Lâm cũng chính là người đã dẫn tôi đi thăm bãi đá cổ Sapa từ mấy năm trước và ông lên án mạnh mẽ cái cách bảo tồn bảo tàng thiếu trách nhiệm của ta. Những hòn đá tuổi đời trăm triệu, những hình khắc đã có từ ngàn năm, vậy mà chỉ vài năm đã tan nát bởi du lịch, bởi sự thiếu ý thức của con người.
Vì lẽ đó, khi phát hiện bãi đá cổ có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông Lâm đã yên lặng. Ông không kể chuyện này cho bất kỳ ai, kể cả lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên, kể cả các đồng chí kiểm lâm, những người hàng ngày xuyên rừng, ngủ hang cùng ông nhiều năm trời.
Tác giả và ông Lâm trong hành trình đi tìm bãi đá có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn. |
Ông Lâm sợ rằng, khi những hòn đá cổ có hình khắc này được công bố, các nhà khoa học tìm vào nghiên cứu, rồi các dự án bảo tồn, rồi phát triển du lịch… Và rồi, những hình khắc sẽ biến mất. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được câu trả lời. Và như vậy, ông sẽ là người có lỗi với tổ tiên.
Ngay cả chuyện ông phát hiện, rồi hì hục mở ra con đường lên Fasipan ngắn nhất, nhanh nhất, dễ đi nhất, tưởng là chiến công được người đời ghi tạc, nhưng thực tế, người ta đã bỏ quên ông. Nhưng điều ông thấy đau nhất, đó là, khi con đường mở ra, du lịch phát triển, Nhà nước thu lợi chẳng bõ bèn, nhưng rừng bị tàn phá từng ngày, những con thú cuối cùng đang bị tiêu diệt, những cây thuốc quý chảy tuồn tuột ra nước ngoài…
Nhưng bí mật về bãi đá cổ có hình khắc trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn ấy ông không giữ được mãi. Bởi vì, mới đây, khi xuyên qua đại ngàn vân sam, ông đã giật mình khi thấy một con đường mòn mới mở. Trên con đường mòn ấy, lâm tặc cùng với trâu mộng rồng rắn kéo gỗ như đàn kiến nhẩn nha suốt ngày đêm.
Những bước chân bầm dập của đàn trâu, những cú va chạm của những súc gỗ, đến núi cũng mòn, đá cũng nát, nói chi đến những hình khắc mềm mại, dễ vỡ kia!
Ông Lâm đã chết lặng khi thấy con đường kéo gỗ ấy đè nghiến lên những khối đá cổ có hình khắc kỳ lạ. Ông lại phải đau lòng mà rằng, nếu không công bố để các nhà khoa học nghiên cứu, thì những hình khắc trên bãi đá sẽ vĩnh viễn biến mất dưới bước chân đàn trâu mộng.
Vậy là, tôi cùng ông Lâm, với cơm nắm, bánh mỳ, thịt hộp, túi ngủ… lên đường vào đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Còn tiếp...
Phạm Ngọc Dương
Những hòn đá cổ với những hình khắc lạ lùng nằm im lìm trong khe núi, dưới những tán pơ-mu cổ thụ, rêu phong…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét