waveometa menu

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ

(VTC News) - Cả đoàn cùng hò hét sung sướng, ôm lấy những thân chè mà rưng rưng hàng lệ. Trong tôi, cảm giác cành lá cũng rung rinh như chào đón những người yêu trà đến cuồng dại.

Đoàn thám hiểm vào vườn chè gồm các kỹ sư địa chất Đức, Thịnh, Tùng, Phương và tôi. Tất cả đều là những người cuồng yêu văn hóa trà Việt, những người có thể “thiền” cả ngày cuối tuần trong hiên trà Trường Xuân ở Ngô Tất Tố, chỉ để thưởng ấm trà sen, trà nhài, hoặc đơn giản là ấm trà mộc Tà Xùa, Nậm Ty, Tân Cương.

Để chuẩn bị cho cuộc vào vườn chè khổng lồ giữa đại ngàn Hoàng Liên, uống những ấm trà quý, chúng tôi đã phải chuẩn bị mấy tháng trời. Chúng tôi thuê hẳn một chiếc máy quay phim HD để ghi lại những gốc chè vĩ đại, những giây phút thưởng trà đáng nhớ.
Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ
Đoàn thám hiểm vườn chè chuẩn bị lên đường. 

Được sự giúp đỡ tận tình của anh Phạm Văn Đăng, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, chúng tôi mới được phép vào vườn chè dài ngày. Thủ tục vào Hoàng Liên Sơn để leo Fan khá dễ dàng, chỉ cần nộp 50 ngàn đồng tiền vé là xong. Tuy nhiên, hành trình của khách du lịch chỉ là con đường độc đạo lên đỉnh. Du khách rẽ ngang, rẽ dọc trong rừng, nếu kiểm lâm phát hiện sẽ bị phạt nặng. Việc cấm đi lung tung trong rừng, thứ nhất là để bảo đảm an toàn tính mạng cho du khách, thứ nữa là để tránh cháy rừng, phá hoại rừng, vứt rác bừa bãi.

Đoàn thám hiểm chúng tôi được sự “áp tải” của kiểm lâm Nguyễn Viết Huấn. Sở dĩ đồng chí Huấn được giám đốc Đăng cử vào vườn chè, vì ngoài anh Đăng, có lẽ chỉ có đồng chí Huấn là nắm được đường vào vườn chè mà thôi. Huấn vừa mang trọng trách là người dẫn đường an toàn vào vườn chè, vừa là người giám sát các hành động của chúng tôi, mà quan trọng nhất là việc trông chừng… đám lửa.

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ
Những gốc chè mọc trên đá lớn thế này có tuổi nhiều trăm năm. 

Đã vào rừng dài ngày không thể không dùng lửa. Dùng lửa để nấu ăn, để sưởi ấm trong cảnh lạnh giá đến mức đóng băng, đuổi sương muối gặm nhấm xương cốt bằng cái lạnh sắc như dao.

Để chuyến đi cho 5 người thành công, chúng tôi phải thuê tới 5 porter. Porter là những người Mông, là những chuyên gia leo núi, gùi đồ, nấu nướng. Họ được đào tạo để phục vụ du khách, phần lớn là người nước ngoài, do đó rất chuyên nghiệp.

Đồ ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng, với mấy chục kg thịt lợn, bò, gà cùng cả gùi rau xanh. Túi ngủ, lều, võng, nồi niêu, bát đĩa… Thứ không thể quên là chiếc ấm đun trà.

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ
Phút hiếm hoi vườn chè không bị bao phủ bởi mây mù. 

Chúng tôi khởi hành từ 6h sáng, khi khắp núi rừng chỉ toàn màu trắng đục không biết của mây hay sương. Đi bộ từ sáng đến chiều thì đến rừng trúc, nơi có những “lối đi của rồng”. Đấy là cách nói vui của chúng tôi, chứ thực ra, đó là đường đi của loài trâu bán hoang dã.

Đồng bào Mông ở các bản làng thả trâu vào rừng, rồi có khi nửa năm mới vào thăm trâu một lần. Họ thả vào một con trâu cái, đến lúc vào thăm đã thấy có nghé to tướng rồi. Loài trâu thả hoang trong rừng, nên tập tính của chúng chẳng khác gì trâu rừng.

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ
Loài trâu thả hoang trong rừng đã tạo ra những con đường kỳ lạ như thế này. Con đường như hang rồng sẽ dẫn vào vườn chè giữa đại ngàn Hoàng Liên. 

Ông Trần Ngọc Lâm có cách mở đường rất hay. Cuộc sống của ông gắn với rừng già Hoàng Liên, nơi lưu giữ những cây thuốc quý, giúp ông chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác. Ông phải đi rừng thường xuyên, mà rừng Hoàng Liên nhiều chỗ trúc mọc ken dày, gai góc sắc nhọn, vừa đi vừa phát trúc có khi mất cả ngày trời mới được vài trăm mét.

Để có đường đi, ông vác theo một gùi muối, rồi rắc thành dải. Đàn trâu thèm muối, nên cứ lần theo dấu muối để liếm. Trâu đi đến đâu, thành đường đến đó. Con đường trâu đi xuyên qua rừng trúc, trông giống như hang rồng khổng lồ. Chính con đường chinh phục Fansipan mà du khách leo bây giờ, mấy năm trước, nhiều đoạn ông Lâm cũng mở chỉ bằng… gùi muối.

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ
Ôm những gốc chè khổng lồ mà lòng rưng rưng xúc động. 

Xuyên qua rừng trúc, thả hết con dốc thì vườn chè mà tôi đặt chân đến từ hồi đầu năm hiện ra trước mắt. Tôi nhìn ngang ngó dọc mãi mà không thấy cây chè đầu tiên của vườn chè đâu cả. Đồng chí kiểm lâm Nguyễn Viết Huấn tần ngần đứng bên một gốc cây to bằng cái phích đã bị đốn đổ, vết chặt vẫn còn mới nguyên bảo: “Cây chè bị chặt rồi anh ạ!”. Thật đau xót! Thật không thể chấp nhận được! Đành rằng vườn chè rộng mênh mông, với hàng vạn cây chè, nhưng để có được một cây chè to bằng cái phích, có đường kính 20cm, phải mất trăm năm trời, bằng cả một đời người.

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ
Tác giả trèo lên ngọn một cây chè khổng lồ, có tán lá chìm trong mây mù. 

Theo đồng chí Huấn, ở ngay Trạm kiểm lâm Núi Xẻ, độ cao 1.600m cũng có vài cây chè lẫn trong khu rừng cổ thụ. Khi kiểm lâm thông báo, các nhà nghiên cứu đã đem các công cụ lên đo đường kính những cây chè này. Mới đây, sau đúng 5 năm, họ lên đo lại, thấy có cây lớn được 1-2mm, có cây được 5mm, có cây chẳng lớn được tẹo nào. Qua cách này, các nhà khoa học biết rằng, loài chè trong Hoàng Liên Sơn lớn cực kỳ chậm. Ở độ cao 1.600m, mà mỗi năm, cây lớn nhanh nhất thì đường kính chỉ thêm được 1mm. Như vậy, những cây chè ở độ cao đến 2.400m, nơi chúng mọc trên đá, chịu giá lạnh khủng khiếp, thì không hiểu chúng lớn chậm đến mức nào.

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ
Hái chè để thưởng thức. 

Đồng chí Huấn bảo: “Anh thông cảm, không chụp ảnh cây chè bị phá, kẻo những người yêu chè bức xúc, đau lòng, lại trách bọn em”. Tôi đồng ý với Huấn, nhưng vẫn phải nói lên điều này, để chúng ta biết, mà cùng tìm cách bảo tồn, bảo vệ kho “báu vật trời cho” giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Lỗi này là của những người vô ý thức, chứ đâu có thể đổ cho các đồng chí kiểm lâm. Rừng rậm, bạt ngàn, kiểm lâm chỉ có vài chục người, sao quản lý hết được.

Hành động chặt cây chè này có thể là của du khách, cũng có thể là những người được du khách thuê vào khu rừng chè hái chè xanh để họ mang về thưởng thức cho biết. Việc trèo lên ngọn cây, bẻ những cành chè thì không làm ảnh hưởng nhiều đến cây chè, rừng chè, thậm chí còn có tác dụng tốt, bởi sẽ thúc đẩy cây chè mọc nhiều cành, cho nhiều lá, nhiều búp hơn. Tuy nhiên, cái kiểu chặt tận gốc cho cây chè đổ xuống để dễ dàng vặt lá thì không thể chấp nhận được. Họ quá tàn nhẫn với rừng, với di sản hiếm có mà ông trời phải nhào nặn có khi cả triệu năm nay mới thành.

Ôm những thân chè giữa đại ngàn mà rưng rưng hàng lệ
Chuẩn bị nấu chè giữa rừng. 

Mang theo sự tiếc nuối về cây chè nằm ở vị trí đầu tiên của vườn chè, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào vườn chè. Mọi mệt nhọc, đau nhức các khớp chân của các thành viên trong đoàn như tan biến hết. Cả đoàn cùng hò hét sung sướng, ôm lấy những thân chè mà rưng rưng hàng lệ. Trong tôi, cảm giác cành lá cũng rung rinh như chào đón những người yêu trà đến cuồng dại.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét