waveometa menu

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Paracetamol không phải là “thần dược”

Loại thuốc được xem là “an toàn” này cũng có thể trở thành mối nguy nếu bị lạm dụng

Paracetamol hay acetaminophen là một loại thuốc được bán khá thông dụng trên thị trường, chủ yếu dưới dạng viên nén hay viên sủi, với nhiều tên thương mại khác nhau như panadol, efferalgan, acemol, tylenol, hapacol... Dù tác dụng chính của thuốc là giảm đau, hạ sốt nhưng nhiều người vẫn xem nó như “thần dược”, hễ thấy bệnh là uống, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.
Nhiều tác hại
Chị T.T.Y (ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) vội vàng ra nhà thuốc mua mấy viên efferalgan 500 mg về khi thấy cậu con trai 10 tuổi P.N.A sốt cao đến 39OC. Cậu bé hạ sốt sau đó nhưng 2 giờ sau thì sốt lại nên chị lại cho con uống tiếp. Đến ngày thứ 3, tay chân cậu bé bắt đầu xuất hiện những vết xuất huyết đỏ bầm, chị Y. mới đưa con vào viện. Đến lúc đó, bé A. đã bị sốt xuất huyết độ 3; lúc nhập viện còn có các triệu chứng choáng váng, hạ đường huyết, hơi lơ mơ nghi ngờ là do 4 viên efferalgan mà bà mẹ vừa “nhồi” cho con trước khi vào viện.
Paracetamol là loại thuốc có công dụng giảm đau, hạ sốt nhưng lạm dụng sẽ rất hại
Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Khoa Cấp cứu của BV Nhi Đồng 1 cũng nhiều lần tiếp nhận các trẻ em bị ngộ độc chính loại thuốc ngỡ như an toàn này. Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Sốt xuất huyết, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng 1, liều dùng thích hợp của paracetamol là 10-15 mg/kg trọng lượng cơ thể, tức viên 500 mg thường thấy tương ứng với cơ thể khoảng 50-75 kg. Khi bệnh nặng, mỗi ngày có thể uống nhiều nhất là 4-6 lần và mỗi lần phải cách nhau ít nhất 4 giờ.
Dễ hại gan và bỏ qua căn bệnh thật
Theo nhiều chuyên gia, paracetamol dạng uống khi vào ruột sẽ có 4% lượng thuốc biến thành chất độc có hại cho gan. Gan phải hoạt động nhiều hơn bình thường để đào thải chất độc, nếu đào thải không kịp thì chất độc sẽ tích tụ và phân hủy tế bào gan. Ngoài ra, việc dùng thuốc này tùy tiện cũng khiến nhiều bệnh nhân vô tình bỏ qua việc điều trị căn bệnh thực sự - nguyên nhân gốc rễ của chứng nhức đầu, sốt… mà họ gặp.
PGS - TS - dược sĩ Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ Bệnh viện TPHCM, nhấn mạnh: “Nên hiểu paracetamol chỉ giải quyết triệu chứng. Ví dụ, người bị nhức đầu do bệnh về thần kinh, huyết áp khi uống vào có thể thấy hết nhức đầu do thuốc làm dãn mạch ngoại biên tạm thời nhưng căn bệnh thì vẫn còn đó. Tương tự với người bị sốt do cảm cúm, sốt xuất huyết… paracetamol chỉ có tác dụng giúp hạ sốt chứ không thể trị dứt bệnh.
Nếu thấy hết đau nhức, khó chịu mà bỏ qua việc điều trị tận gốc căn bệnh thật thì rất nguy hiểm. Một số người khi uống rượu bia, bị nhức đầu nên uống thuốc này để hết nhức cũng là điều không nên. Khi đó, gan đã phải hoạt động nhiều để đào thải các độc tố từ rượu bia, uống thêm thuốc nữa đương nhiên không có lợi”.
PGS Tuấn cũng khuyến cáo: Nếu nhận ra bản thân đang phải sử dụng paracetamol thường xuyên để trị những cơn nhức đầu, đau nhức… không rõ nguyên nhân thì trước hết nên xem lại lối sống, cách ăn uống… có phù hợp hay không. Kế đến, người bệnh nên kiểm tra sức khỏe và tìm ra căn bệnh thực sự. Dù là sử dụng đúng liều nhưng lạm dụng, uống thường xuyên thì cũng gây hại.
Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, “paracetamol là loại thuốc khá an toàn, tuy nhiên với thai phụ, các BS chỉ kê vài ngày thuốc, với số lượng sử dụng hạn chế. Thai phụ không nên tự ý mua thêm thuốc sau khi đã sử dụng hết các liều BS đã cho.
Theo ANH THƯ (NLĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét