Cây "chó đẻ" (diệp hạ châu) - vị thuốc dân gian và dược liệu quý
Từ xưa, người dân của nhiều nước đã sử dụng cây chó đẻ trong việc trị nhiều bệnh như viêm gan, vàng da, lậu, lở loét, sỏi mật, cảm cúm, thống phong...
Có tên khoa học là Phyllanthus Urinaria L, họ thầu dầu Euphorbiaceae, cây này còn có tên là diệp hạ châu ngọt, cam kiềm, kiềm vườn, diệp hòe thái, lão nha châu, trân châu thảo... Dân gian gọi là cây chó đẻ vì chó sau khi đẻ thường tìm lá cây này về để nhai.
Cây chó đẻ cao từ 30-60cm, thân nhẵn, mọc thẳng đứng, lá mọc so le, phiến lá thon nhỏ dài từ 5-15mm, rộng từ 2-5mm. Cây mọc hàng năm ở khu vực nhiệt đới, là loại cỏ mọc hoang có thể tìm thấy nhiều nơi khắp nước ta.
Cây diệp hạ châu
Diệp hạ châu theo Y học cổ truyền
Theo Đông y, diệp hạ châu vị đắng, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh can lương huyết, lợi tiểu, sát trùng, giải độc. Từ 2.000 năm nay, Y học cổ truyền của nhiều dân tộc đã sử dụng diệp hạ châu đắp tại chỗ chữa các bệnh ngoài da như lở loét, sưng nề, ngứa ngáy...
Người Peru tin rằng diệp hạ châu có tác dụng kích thích tiết dịch mật, tăng cường chức năng gan và dùng nó để điều trị sỏi mật, sỏi thận. Nó cũng được dùng chữa viêm bàng quang, vàng da phù, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kinh. Người Brazil, Haiti cũng dùng cây thuốc này để chữa các bệnh tương tự.
Tại các vùng khác ở Nam Mỹ, diệp hạ châu được sử dụng rộng rãi để trị viêm gan B, viêm túi mật, thận, thống phong, sốt rét, thương hàn, cúm, cảm lạnh, kiết lỵ, đau dạ dày, mụn nhọt, lở loét, ung độc. Nó còn được sử dụng như một thuốc giảm đau, kích thích ngon miệng, kích thích trung tiện, tẩy giun, lợi tiểu, điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ...Tại nhiều nước châu Á (như Ấn Độ, Malaixia...), người dân cũng dùng diệp hạ châu để chữa viêm gan, vàng da, hen, lao, kiết lỵ, lậu, viêm phế quản, viêm da, viêm đường tiết niệu, giang mai.
Thuốc viên điều chế từ diệp hạ châu - hình minh họa
Diệp hạ châu và Tây y
Tuy nhiên, tác dụng giải độc gan và chữa viêm gan siêu vi B chỉ mới được các nhà khoa học lưu ý từ những năm 1980 về sau. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật bản và Ấn độ cho biết họ đã phân lập được những hợp chất trong cây diệp hạ châu (như phyllantin, hypophyllantin và triacontanal) có khả năng chữa bệnh viêm gan.
Tác động chống virus siêu vi B của diệp hạ châu được báo cáo lần đầu tiên tại Ấn độ vào năm 1982. Sau đó, một báo cáo trên tạp chí Lancet vào năm 1988 cũng xác định tác dụng này. Cây diệp hạ châu chứa một số enzyme và hoạt chất có tác dụng chữa viêm gan như phyllanthine, hypophyllan-thine, alkaloids và flavonoids... Theo báo cáo này 2 nhà khoa học Blumberg và Thiogarajan đã điều trị 37 trường hợp viêm gan siêu vi B với kết quả 22 trong số 37 người đã đạt được kết quả âm tính sau 30 ngày dùng diệp hạ châu.
Ðối với viêm gan siêu vi, 50% yếu tố lây truyền của virus viêm gan B trong máu đã mất đi sau 30 ngày sử dụng loại cây này (với liều 900 mg/ngày). Trong thời gian nghiên cứu, không có bất kỳ sự tương tác nào giữa diệp hạ châu với các thuốc khác. Cũng tiếp theo đó là nghiên cứu tiến hành năm 1995, cho thấy cây thuốc này có tác dụng lợi tiểu, giảm huyết áp tâm thu ở người không bị tiểu đường và giảm đáng kể đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
Trong cơ thể con người, gan có thể ví như nhà máy lọc to lớn có chức năng giải độc cho cơ thể để duy trì các chức năng bình thường của tất cả các cơ quan khác. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, do môi trường ô nhiễm, do tâm lý căng thẳng và việc tiếp xúc với những hoá chất độc hại cũng như sử dụng nhiều loại hoá dược, gan luôn luôn có nhu cầu cần được sơ tiết và giải độc. Nhiều thầy thuốc Đông y cho rằng cây chó đẻ là một trong những thảo dược hàng đầu có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Mặc dù chưa có báo cáo nào về tác dụng bất lợi của thuốc trên phụ nữ có thai, cũng cần thận trọng khi sử dụng Diệp hạ châu trên phụ nữ có thai thời kỳ đầu. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp của chế độ ăn ít mỡ, nhiều rau quả và năng vận động.
Thị trường Việt Nam hiện có khá nhiều chế phẩm dùng điều trị viêm gan dưới dạng trà tẩm, trà túi lọc, viên nang, viên bao đường,... của nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh trong và ngoài nước, giúp cho bệnh nhân viêm gan có nhiều cơ hội chọn lựa theo khả năng và khẩu vị của mỗi người. Phần lớn nguyên liệu để sản xuất các chế phẩm này là từ nguồn hoang dại, mà một cây thuốc khi mọc ở vùng địa lý khác nhau, có thể có hiệu quả điều trị khác nhau. Tốt nhất, người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có số đăng ký của cơ quan Y tế có thẩm quyền cấp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét