Dựng lều uống “báu vật triệu năm” giữa đại ngàn
VTC News) - Hứng chí, cả bọn hát Quốc ca vang cả rừng núi. Phải công nhận rằng, hát Quốc ca xong, nâng chén chè xanh, thấy thiêng liêng, xúc động. Thế mới biết, những “hành động” phức tạp, nâng lên thành “đạo” khi thưởng trà của người Nhật có cái lý của nó.
Sau một ngày cuốc bộ thì chúng tôi đặt chân
đến điểm đầu của vườn chè. Khu vực này là một thung lũng không sâu lắm,
hơi chùng xuống như lưng con ngựa.
Đây
là một khu vực đậm đặc chè, với cả cây to lẫn cây nhỏ. Cây nhỏ thì bằng
cái điếu cày, cây to thì gần 2 người ôm, ngửa mỏi cổ mới nhìn thấy tán
lá. Chốc chốc, gió lại thổi mây trắng ngập thung lũng, tán chè biến mất
trong màn mây trắng đục.
Đoàn thám hiểm vườn chè đã dựng trại và thưởng trà dưới gốc cây trâm ổi khổng lồ này. |
Những thân chè nhiều trăm năm tuổi, thân trắng mốc ẩn dưới lớp rêu, mọc trên những kẽ đá. Rễ cây như những sợi thừng vằn vện quấn vào đá tảng, xiên vào kẽ đá để sinh tồn nhọc nhằn. Nhìn những thân chè mọc trên đá, tôi chợt nhớ đến những cây sanh với bệt rễ mốc trắng mọc trên đá trong chậu cảnh. Loài sanh lớn nhanh như thổi, song khi bám trên đá, cả trăm năm, chúng chỉ mốc trắng và xù xì thêm, chứ chẳng lớn tẹo nào.
Sau một hồi loanh quanh tìm kiếm, chúng tôi mới tìm được một địa điểm khá bằng phẳng để dựng lều. Chỗ dựng lều là nơi thấp nhất của thung lũng, cạnh một gốc cây trâm ổi khổng lồ. Trâm ổi là loài cây đặc biệt của Hoàng Liên Sơn. Chúng có những chiếc rễ to hơn cả thân cây, vắt qua hết tảng đá này đến tảng đá khác và quấn quện lấy đá như con trăn quấn mồi. Toàn bộ rễ và thân lên màu đỏ đồng rất đẹp mắt. Xưa kia, người Pháp thường lấy tinh dầu trâm ổi làm nước hoa, mỹ phẩm.
Nấu nướng giữa rừng. |
Theo sự chỉ đạo của đồng chí kiểm lâm Nguyễn Viết Huấn, porter Cang và Lình phát cây cỏ mọc lan dưới mặt đất quanh khu vực đốt lửa để tránh bén lửa và đào xới lớp nền đất xem có mùn không. Sở dĩ phải đào đất kiểm tra là vì, nếu dưới lòng đất có lớp mùn, có thể lửa sẽ bén xuống lòng đất dẫn đi chỗ khác. Sau khi khu vực này đáp ứng mọi yêu cầu, chúng tôi mới được phép tập kết gỗ mục đốt lửa có kiểm soát để nấu nướng, sưởi ấm.
Lình cuốc bộ đến con suối cách nơi dựng lều khoảng 1h đi bộ để lấy nước. Nhất thủy nhì trà, nên đã vào đến đây để thưởng trà, thì phải kiếm được loại nước tinh khiết nhất, chảy từ kẽ đá ra để nấu trà.
Hoa chè. |
Xưa kia, ông Lâm cũng dựng một căn lều cho anh chàng Muteki người Nhật ở khu vực này, rồi hàng ngày ông vác ống nứa đi lấy nước ở khe mang lên cho anh ta nấu chè uống. Cả tuần, anh chàng người Nhật chỉ có mỗi việc là hành lễ và uống trà theo đúng phong cách người Nhật. Uống trà xong, lại múa kiếm, hát quốc ca ông ổng giữa rừng. Múa kiếm chán lại uống trà.
Cây chè càng già nước càng đậm, càng ngọt. Nhưng những cây chè nhiều trăm năm tuổi to cao như những cây cổ thụ, thì trèo hái bằng cách nào? Đoàn thám hiểm chúng tôi cứ bám thân cây trèo lên, lại tụt xuống. Anh chàng người Mông tên Cang đứng cười ngặt nghẽo.
Hái chè. |
|
Cang đu đưa trên tán cây chè khổng lồ, những cành chè to cỡ ngón tay rơi xuống lả tả. Chúng tôi ngồi dưới đất tẽ một lúc thì được một bọc to tướng, đủ đun vài ấm, uống suốt đêm.
Bác porter già, là bố đẻ của Cang đã nhóm lửa cháy bùng bùng. Ngọn lửa chỉ xua được cái lạnh cách nó cỡ một mét. Chúng tôi ngồi quây quần bên đống lửa, xiên thịt vào cành trúc vừa nướng vừa ăn. Trên chiếc sào dài vắt ngang đống lửa, ấm nước đã sôi sùng sục. Những lá chè xanh dày như lá đa được vò kỹ, chẳng cần rửa, đổ thẳng vào ấm nước sôi.
Phương đẽo thanh kiếm rồi vừa múa kiếm vừa thưởng trà như anh chàng Muteki người Nhật. |
Bình thường, dưới xuôi, chỉ cần đun chè độ 30 phút là uống được, nhưng ở độ cao trên 2.000m, phải đun sôi hơn 1 tiếng đồng hồ chè mới chín, mới thôi được tinh chất ra nước. Một phần vì chè mọc trên núi cao lá rất dày, nhưng chủ yếu là vì nước sôi chỉ đạt 80 đến 90 độ C trong môi trường không khí loãng.
Ăn xong bữa tối, chúng tôi ngồi vây quanh bếp lửa “hưởng” cái nóng phả vào mặt và cái lạnh luồn vào lưng, để uống trà đến quá nửa đêm. Những chén trà rót ra bốc khói nghi ngút, mang theo vị hương ngọt nồng của đất trời, của thiên nhiên, của mây mù, của đá núi. Cảm giác vừa hít hơi trà, vừa thổi phù phù, vừa nhấp những ngụm trà giữa đêm hoang lạnh đại ngàn thật thú vị, thật khác biệt.
Sớm hôm sau, khi tiếng vượn hót từ xa vọng lại, chúng tôi chui ra khỏi lều. Trên bếp lửa, ấm chè xanh đã sôi sùng sục. Đội porter đã dậy nấu ăn và hái chè bỏ vào ấm. Chẳng gì thú vị hơn bát chè xanh lúc bình minh.
Cùng nhau thưởng thức hương vị đặc biệt của chè hoang trong đại ngàn Hoàng Liên. |
Anh chàng Phương hì hục ngồi trên rễ cây trâm ổi đẽo mẩu gỗ thành thanh kiếm. Đẽo xong kiếm, anh chàng này rứt đoạn dây rừng buộc kiếm ngang vai. Phương muốn đeo kiếm thưởng trà giống như anh chàng Muteki người Nhật khi xưa giữa vườn chè Hoàng Liên.
Cả ngày hôm ấy, Tùng kiếm những gốc chè đại tướng quay phim, chụp ảnh làm kỷ niệm, còn chúng tôi vừa múa kiếm vừa thưởng trà. Hứng chí, cả bọn hát Quốc ca vang cả rừng núi. Phải công nhận rằng, hát Quốc ca xong, nâng chén chè xanh, thấy thiêng liêng, xúc động. Thế mới biết, những “hành động” phức tạp, nâng lên thành “đạo” khi thưởng trà của người Nhật có cái lý của nó.
Bỏ lại “đoàn thám hiểm thưởng trà” nơi điểm đầu của vườn chè, tôi tiếp tục cuốc bộ thả dốc, vượt qua con suối, xuống tận thung lũng ở độ cao chừng 1.800m so với mặt nước biển. Đoạn đường gần một giờ đi bộ ven suối thi thoảng mới gặp cây chè. Càng xuống sâu, mật độ càng thưa, rồi biến mất hoàn toàn.
Theo tấm bản đồ “người rừng” Trần Ngọc Lâm vẽ, phải vượt qua con suối, trèo qua một sườn núi rất dốc, hiểm trở và tiếp tục cuốc bộ hơn 1 giờ đồng hồ nữa, mới đến được nơi phân bố chè rộng lớn và đậm đặc. Vườn chè kéo dài sang tận sườn Tây của đỉnh Fansipan, trên độ cao từ 1.800m đến 2.400m, thuộc phần đất của tỉnh Lai Châu.
Cứ cuốc bộ theo nét vẽ của ông Lâm, tôi đã đặt chân đến vùng phân bố rộng lớn của vườn chè. Càng đi càng thấy vườn chè rộng lớn, càng gặp những cây chè khổng lồ mọc lên từ kẽ đá. Đi đến chồn chân mỏi gối, cũng chỉ thấy toàn một loại cây là chè cổ thụ. Những bông hoa chè, những búp chè to hơn thường thấy nở bung nơi kẽ lá.
Tôi không thể hình dung được vườn chè này rộng đến mức nào, nhưng theo lời ông Lâm, phải đi bộ 2-3 ngày mới cắt ngang được vườn chè này.
Quả là một “kho báu triệu năm” khổng lồ mà ông trời ban tặng!
Để loại đoàn thám hiểm thưởng trà giữa đại ngàn, tôi rời vườn chè cổ thụ chưa từng biết đến lớn nhất Việt Nam. Trên đường trở ra, tôi cứ miên man với ý nghĩ: Chẳng lẽ để phí một kho báu giữa rừng già? Làm thế nào để bảo vệ vườn chè khỏi ngọn lửa? Ơn trời, ngọn lửa của vụ cháy rừng hồi đầu năm chưa bén được đến vườn chè đặc biệt này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét