Có gì dưới lớp rêu của bãi đá trong rừng Hoàng Liên?
(VTC News) – Đứng trên sườn núi nhìn xuống bãi đã giữa khe núi, trong tâm trí tôi chợt hiện ra cảnh tổ tiên mình đang kiên trì ngồi đục đẽo đá, như muốn gửi lời nhắn nhủ đến con cháu tương lai.
Qua quan sát tỉ mẩn từng u
mấu những khối đá trên bãi đá có diện tích chừng 200m2, tôi nhận thấy
hình khắc có ở khắp nơi. Cạo những lớp rong rêu, cắt những bụi cỏ mọc
trùm lên các kẽ đá, đều phát hiện ra những hình khắc.
Ngay cả dưới nền mặt đá bằng phẳng, không thuộc một tảng nhô lên riêng biệt nào cũng có những vết khắc chi chít, đủ các loại hình thù, với vết khắc nông sâu, dài ngắn khác nhau.
Ngay cả dưới nền mặt đá bằng phẳng, không thuộc một tảng nhô lên riêng biệt nào cũng có những vết khắc chi chít, đủ các loại hình thù, với vết khắc nông sâu, dài ngắn khác nhau.
Các vết khắc thể hiện khá tự do, không theo trật tự nào. |
Các vết khắc tập trung ở đủ các mặt Đông, Tây, Nam, Bắc và cả mặt chính hướng lên trời.
Phần lớn hình khắc thể hiện các đường thẳng song song, các đường cong song song. Nhiều đường tiếp giáp nhau, hoặc được nối với nhau bằng một gạch nối thẳng hoặc cong.
Một số hình vuông, hình tam giác, hoặc các hình chữ nhật lồng vào nhau, hình nhỏ bên trong hình lớn. Có những hình tròn hay bầu dục có vết lõm ở giữa hoặc gạch ngang chia đôi.
Điều khó hiểu là những hình khắc này được khắc lung tung, không tuân theo trật tự nào, phân bố rải rác trên một diện tích rộng của một khối đá liền khổng lồ.
Các nét khắc của mỗi hình khắc rộng, hẹp, nông, sâu khác nhau. Chỗ rộng nhất tới 2cm, chỗ hẹp nhất chỉ 0,1cm, chỗ sâu nhât tới 1cm, chỗ nông chỉ 0,1cm.
Ông Trần Ngọc Lâm dùng chiếc dao sắc bén của mình chém một nhát thật lực lên mặt một tảng đá gần đó. Tiếng dao va chạm với đá nghe chát chúa, tóe lửa. Lưỡi chiếc dao rèn thủ công bằng thép sứt mẻ lung tung. Tôi nhận thấy, vết dao chém vào đá chỉ tạo ra một vết vỡ rất nhỏ và nham nhở. Trong khi đó, vết khắc trên những tảng đá gốc siêu cứng này lại rất “ngọt”, sâu và mềm mại.
Những hình khắc song song này có phải biểu tượng của ruộng bậc thang? |
Theo ông Lâm, để khắc được những hình thù này trên mặt những tảng đá, người khắc đá phải có dụng cụ riêng biệt và phải rất kỳ công, chứ không thể có chuyện ai đó rỗi rãi ngồi vạch vài đường cho vui.
Chắc chắn, những vết khắc này được khắc bởi một dụng cụ cứng, có đầu nhọn, sắc, kiểu lưỡi đục, chứ không phải lưỡi dao hoặc lưỡi rìu.
Qua quan sát của tôi, nhận thấy, những đường khắc có sự tận dụng các đường nét tự nhiên của hòn đá như các lỗ lõm, các vết nứt tự nhiên để thể hiện chủ đề.
Về nội dung hình khắc rất khó xác định chủ nhân của những vết khắc này muốn thể hiện điều gì. Nhưng xét về tổng thể, những vết khắc này tương đối đơn giản về ý tưởng.
Phần lớn các hình khắc chỉ là một hệ thống vòng cung, hoặc cắt ngang cắt dọc. Đứng từ trên nhìn xuống, trông những mảng hình khắc này giống bản đồ những bản làng, đồng ruộng, rừng núi…
Một số hình khắc mang tính chất hình học, hoặc những đường nét đơn giản tương đối giống với những hình khắc trên bãi đá cổ Sapa mà tôi đã được xem. Một số nhà khoa học suy đoán những hình khắc kiểu này trên bãi đá Sapa có thể là một loại chữ cổ của người xưa, hoặc là ký hiệu riêng của thầy mo khắc khi tiến hành nghi lễ tại địa điểm này.
Rất nhiều hình khắc giống như những ký tự cổ. |
Tất nhiên, để có được vết khắc sắc và ngọt thì phương tiện thường phải là kim loại, do đó, niên đại của những hình khắc này có thể rơi vào thời đại kim khí, chứ không phải thời tiền sử.
Tôi trèo lên sườn ngọn núi, phóng tầm mắt nhìn ra tứ phương, với ham muốn phát hiện ra những bãi đá có hình khắc mới, nhưng chỉ thấy núi rừng trùng điệp. Chợt nhìn xuống bãi đã giữa khe núi, trong tâm trí tôi hiện ra cảnh tổ tiên mình đang kiên trì ngồi đục đẽo đá, như muốn gửi lời nhắn nhủ đến con cháu tương lai.
Sau khi chụp tỉ mẩn từng hình khắc dù nhỏ nhất, chúng tôi rời bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn.
Trên đường trở ra, qua cánh rừng sơn tra bát ngát, ông Trần Ngọc Lâm dẫn tôi rẽ vào một chân núi. Nơi đó là một bãi bằng rộng dễ gần đến km2. Điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên, khi cạo những đám rêu, vạch những bụi cỏ, đều thấy xuất hiện những vết khắc trên các tảng đá. Tuy nhiên, những hình khắc này không đẹp và thiếu tính hình học như trên bãi đá chỗ khe núi.
Con đường kéo gỗ của lâm tặc... |
...đi xuyên qua bãi đá, sẽ đe dọa sự tồn tại của những hình khắc. |
Đem hàng trăm tấm hình chụp chi tiết hình khắc trên bãi đá cổ bí ẩn giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn đến Viện Khảo cổ học Việt Nam, PGS.TS Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học, rất ngạc nhiên. Ông Chung cho rằng, đây sẽ là phát hiện rất thú vị.
Sau khi quan sát các bức hình, PGS. Trình Năng Chung khẳng định: “Những vết khắc này chắc chắn do con người tạo ra, chứ không phải do thiên tạo”.
Với kinh nghiệm của nhà khoa học đã từng nhiều năm nghiên cứu hình khác ở các bãi đá cổ, ông Chung biết rằng con người đã dùng phương pháp đục và khắc để tạo ra những vết ngang dọc trên mặt những hòn đá. Theo quan sát độ sâu, hình dạng vết khắc có thể biết rằng người xưa đã dùng một vật kim loại sắc hình chữ V để cạo liên tục vào đá, tạo ra những vết khắc sâu.
Phần lớn các hình khắc mang tính chất hình học hóa, chứ không phải biểu tượng hóa. Những vạch song song gặp nhiều ở bãi đá cổ Sapa và có thể là hình ảnh của ruộng bậc thang. Còn những hình song song, có kẻ ngang, có thể là hàng rào. Hình hai ô vuông lồng vào nhau cũng gặp ở bãi đá Nấm Dẩn (Xín Mần, Hà Giang).
Những đường cong, xoáy là hình hồi văn, cũng gặp ở bãi đá cổ Sapa, tuy nhiên, một số hình quả trám thì chưa gặp ở bãi đá nào.
TS. Trình Năng Chung cho biết, để xác định những hình khắc trên bãi đá này có niên đại bao nhiêu năm, thì các nhà khoa học phải đến tận nơi và dùng nhiều phương pháp khoa học mới xác định được. Tuy nhiên, theo phán đoán của ông, có thể hình khắc trên bãi đá này xuất hiện cùng thời với bãi đá cổ Sapa.
Bãi đá cổ Sapa, Nấm Dẩn, Liệp Tè (bãi đá cổ Liệp Tè ở Thuận Châu, Sơn La - PV) đều đã được phát hiện vài chục đến gần trăm năm nay, song những hình khắc vẫn còn là bí ẩn chưa giải mã được. Do đó, việc giải mã những hình khắc trong bãi đá giữa đại ngàn Hoàng Liên Sơn sẽ là thách thức mới với các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Phạm Ngọc Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét