waveometa menu

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh

(VTC News) - Khu nghĩa địa Tây gồm hai dãy, mỗi dãy có 12 ngôi. Như vậy, có tổng số 24 bộ hài cốt trong khu nghĩa địa Tây này.
Kỳ 4: Nghĩa địa lính Pháp giữa đại ngàn

Tôi, “người rừng” Trần Ngọc Lâm, lương y Phạm Văn Thanh xuất phát từ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) trên 2 chiếc xe Win 100 từ lúc tờ mờ sáng, đến chiều mới vào đến bản Chúng Phùng.

Cũng may, tỉnh Hà Giang đang mở con đường lớn từ Vinh Quang đi Hà Giang, qua xã Túng Sán, nên đường khá rộng. Nhưng đường từ Túng Sán qua Túng Quá Lìn và Chúng Phùng thì đúng là khủng khiếp. Hai năm trước, đây còn là con đường cuốc bộ, nay được người dân sửa lại để xe máy có thể đi được. Tuy nhiên, đi xe máy có lẽ còn mệt hơn đi bộ, vì đi được thì ít, mà đẩy xe thì nhiều, đá hộc cứ to như con lợn nằm ngổn ngang giữa đường hẹp.

Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh
Những nấm mồ chôn lính Pháp bị thời gian bào mòn, giờ chỉ còn là những mô đất nhỏ, đánh dấu bằng bụi cây. 

Trước khi vào Tây Côn Lĩnh, anh Lại Văn Hà, Phó phòng Công thương đã điện trước cho Bí thư bản Chúng Phùng Vàng A Cáo, nhờ anh này dẫn đường lên đỉnh núi và phân công người gùi đồ giúp. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt, anh ta lại từ chối vì… không biết đường. Anh chàng bí thư mới 27 tuổi này, đã dành cả buổi chiều và buổi tối, huy động hết thanh niên trong bản, mới thuê được một người gùi đồ cho chúng tôi. Anh chàng gùi đồ là Vàng Seo Vần, mới 20 tuổi, đã có vợ và một con. Vần cũng như toàn bộ cư dân ở bản Chúng Phùng, không biết đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh vì chưa lên bao giờ, nhưng nhiệm vụ gùi đồ của Vần rất quan trọng.

Đêm ấy, chúng tôi ngủ ở nhà Bí thư bản Vàng A Cáo. 5 giờ sáng, ông Lâm đã đánh thức chúng tôi. Ông Lâm đã dậy từ 3 giờ sáng, nấu nồi cơm to tướng rồi dùng chiếc khăn nắm lại, cho vào túi bóng nhét vào ba lô.

Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh
Tác giả bên ngôi mộ chôn lính Pháp, được đánh dấu bằng một gốc cây. 

Chúng tôi lên đường khi mây còn bao phủ mù mịt. Vàng Seo Vần đi trước dẫn đường vào đến con suối Túng Quá Lìn. Đây là con đường mòn mà người Mông ở Chúng Phùng đi nương. Vần bảo, chỉ đi hết con đường này là Vần mù tịt, không biết lên đỉnh Tây Côn Lĩnh kiểu gì. Tuy nhiên, Vần đã biết định hướng ngọn núi này. Cứ theo lời các cụ già trong bản kể lại, thì đỉnh Tây Côn Lĩnh nằm ẩn sau đỉnh núi cao nhất, mờ ảo trong mây mù, mà đứng ở bản Chúng Phùng thi thoảng vẫn thấy nó hiện ra.

Cuốc bộ đến khi mặt trời ló dạng khỏi dãy Tây Côn Lĩnh, khi những cơn gió lớn thổi những đám mây bay đi, thì chúng tôi đến một bãi đất trống, đôi chỗ như xa van với những bụi cỏ. Thi thoảng có chú bìm bịp chạy ra bãi đất trống rồi lại hốt hoảng chui vào bụi rậm.

Trên bãi đất trống ấy, một người đàn ông đang phát những cây cỡ cổ tay. Thấy lạ, tôi hỏi anh ta phát cây làm gì. Anh ta bảo: “Mình phát cây ở mộ người Tây ấy mà. Chỗ này là mả Tây đấy!”. Hóa ra, thời Pháp, từng có vụ rơi máy bay trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Vụ rơi máy máy bay đã khiến toàn bộ lính Pháp và phi công tử nạn.

Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh
Anh Lênh chỉ một ngôi mộ của lính Pháp. 

Người phát cây ở khu “mả Tây” là Vàng Dìn Lênh. Anh Lênh bảo, anh thường vào khu vực này thả trâu, rỗi rãi, anh lại vác dao làm việc thiện là phát cây cho khu mả được sạch sẽ, quang đãng.

Khu mộ gồm hai dãy, mỗi dãy có 12 ngôi. Như vậy, theo anh Lênh, có tới 24 bộ hài cốt trong khu “mả Tây” này.

Người chứng kiến tận mắt vụ rơi máy bay kinh hoàng này là ông Vàng Dìn Di, chú ruột của anh Lênh. Những cụ già chứng kiến vụ máy bay rơi đều đã về trời, duy chỉ còn cụ Di vẫn sống, năm nay 80 tuổi. Cụ Di thường kể lại cho con cháu nghe câu chuyện về vụ rơi máy bay thảm khốc này.

Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh
Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh
Bộ phận của chiếc máy bay rơi mà anh Lênh vẫn giữ. 
Đó là buổi chiều tối mùa hè năm 1947, khi Di đang lên nương cùng cha mẹ, thì bỗng thấy tiếng động cơ gầm rú trên bầu trời. Bình thường, những con “chim sắt” vẫn bay qua bầu trời Chúng Phùng, nhưng tiếng gầm rú này thì rất lạ.

Anh chàng Di nhìn lên bầu trời, thì thấy một chiếc máy bay từ phía Tây bay đến, khói xả mù mịt đằng đuôi. Chiếc máy bay chao đảo rồi cắm đầu lao thẳng vào vách núi, ngay trên lưng đỉnh Tây Côn Lĩnh, phát ra tiếng nổ vang trời.

Người Mông khi đó sống trong rừng rậm, chả bao giờ ra khỏi rừng, nên không biết nó là máy bay. Họ chỉ nghĩ đấy là những con chim sắt khổng lồ. Tò mò, không hiểu vì sao chim đâm xuống núi lại nổ to như thế, anh chàng Di và đám thanh niên cắt rừng tìm vào chỗ có cột khói bốc lên.

Đến nơi, đám thanh niên hãi hùng trước cảnh tượng: Cây cối đổ nát, sắt thép tung tóe khắp nơi, 24 thi thể người không nguyên vẹn văng tứ tung. Trông những người này đều rất lạ: cao to, mái tóc dù cháy xém, song vẫn nhận ra màu vàng, xoăn tít. Những người lạ này rất giống với những nhân vật độc ác trong các câu chuyện truyền miệng, rằng họ chuyên bắn giết người và bắt người Việt Nam làm nô lệ.

Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh
Nghĩa địa lính Pháp trên sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh
Người dân Chúng Phùng có rất nhiều đồ vật làm từ xác máy bay. Vỏ máy bay bằng nhôm, khá mềm, thì được uốn thành những chiếc điếu cày. 
Khi đám thanh niên có mặt được một lúc, thì trưởng bản Thào Seo Tao cùng các bô lão trong bản cũng có mặt. Họ tranh luận rất sôi nổi. Người thì bảo bọn họ là Tây xâm lược, chuyên giết người, ác như thú dữ nên mặc kệ, cứ để cho hổ và lợn rừng xơi. Tuy nhiên, phần lớn thì lại bảo nghĩa tử là nghĩa tận, rằng họ chết rồi, không hại được ai nữa, nên chôn cho họ.

Nghe lời trưởng bản, người dân Chúng Phùng phân công nhiệm vụ, nhóm xẻ gỗ đóng quan tài, nhóm cuốc bộ vào khu vực máy bay rơi để gom xác phi công.

Khi 24 chiếc quan tài được đưa vào khu vực rơi máy bay, thì những xác phi công cũng được gom lại.

Trưởng bản Thào Seo Tao bảo: “Nó sống là người Tây, đến áp bức dân ta, nhưng nó chết ở bản ta thì là ma bản ta rồi, nên chúng ta cũng phải làm ma theo phong tục của bản”. Thế là đồng bào dựng lều đúng chỗ máy bay rơi để làm ma. Ông Tao chủ trì cuộc làm ma khổng lồ, dân bản góp trâu, gà, lợn, xôi nếp để cúng mấy ngày đêm liền, đúng theo phong tục của người Mông.

Làm ma xong, đồng bào khiêng quan tài đi chừng 3 cây số từ sườn đỉnh Tây Côn Lĩnh ra bãi đất trống, cạnh khu vực đất canh tác để chôn. Cứ 4 thanh niên chịu trách nhiệm chôn cất một người. Đất cứng như thép, nên vừa khiêng, vừa đào bới, phải 2 ngày mới chôn xong một thi thể. Mùi tanh của xác chết để lâu ngày vảng vất khắp bản Chúng Phùng, cả chục ngày sau mới hết.

Chôn cất xong, mỗi người một đường, chạy te tua về nhà. Họ cố tình chạy nhanh và lòng vòng để con ma không theo kịp về nhà làm phiền cuộc sống của họ.

Trong số mấy chục người từng chôn xác Tây trong vụ rơi máy bay, giờ chỉ còn ông Vàng Dìn Di. Hàng năm, vào ngày cuối năm, ông Di và con cháu, trong đó có anh Lênh, vẫn lên khu mả Tây phát cây, phát cỏ cho khu mả quang đãng, sạch sẽ, rồi hương khói, xôi gà cúng bái cẩn thận, như phong tục của người Mông.

Anh Lênh bảo, 60 năm đã trôi qua, giờ 24 lính Tây này đã trở thành ma của bản Chúng Phùng. Nhưng người dân bản Chúng Phùng vẫn mong họ được trở về cố quốc.

Không hiểu sao, vụ rơi máy bay nghiêm trọng như vậy, chết tới 24 mạng người, mà không thấy nhắc đến trong lịch sử. Đã bao năm trôi qua, cũng không thấy người thân của họ, các tổ chức tìm kiếm hài cốt tìm đến để quy tập. Cũng có thể Chúng Phùng quá xa, quá heo hút, nên rất ít người ở ngoài Chúng Phùng biết đến câu chuyện rơi máy bay thảm khốc này.

Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét