Giải phẫu gan
Ở hai phần trên và trước, dây chằng liềm bám vào gan chia gan làm hai phần: bên phải thuộc thùy gan phải và bên trái thuộc thuỳ gan trái.
Gan
là cơ quan quan trọng không những cho hệ tiêu hóa mà còn có các chức
năng quan trọng khác như chức năng khử độc, chuyển hóa glucide, protide,
lipid v.v... Gan là tạng trong phúc mạc, nằm ở tầng trên mạc treo kết
tràng ngang, ở ô dưới hoành phải nhưng lấn sang ô thượng vị và ô dưới
hoành trái.
Hình thể ngoài
Gan có hình dạng như nửa quả dưa hấu, có hai mặt và một bờ
Mặt hoành
Lồi áp sát cơ hoành, có bốn phần:
Hình. Gan (mặt hoành)
1. Dây chằng vành 2. Dây chằng liềm 3. Dây chằng tròn
Phần trên liên quan phổi và màng phổi phải, tim và màng ngoài tim, phổi và màng phổi trái.
Phần trước liên quan thành ngực trước.
Ở
hai phần trên và trước, dây chằng liềm bám vào gan chia gan làm hai
phần: bên phải thuộc thùy gan phải và bên trái thuộc thuỳ gan trái.
Phần phải liên quan thành ngực phải.
Phần sau có vùng trần, là nơi không có phúc mạc che phủ. Ở đây gan được treo vào cơ hoành bởi dây chằng hoành gan.
Mặt tạng
Phẳng, liên quan với các tạng khác như dạ dày, tá tràng ... Có ba rãnh tạo thành hình chữ H.
Rãnh bên phải có hai phần: trước là hố túi mật, sau là rãnh tĩnh mạch chủ dưới.
Rãnh bên trái gồm hai phần: trước là khe dây chằng tròn, sau là khe của dây chằng tĩnh mạch.
Rãnh nằm ngang là cửa gan chứa cuống gan và các nhánh của nó.
Rãnh chữ H chia mặt tạng thành 4 thuỳ là thùy trái, thùy phải, thùy vuông và thùy đuôi.
Bờ dưới
ngăn cách phần trước mặt hoành với mặt tạng. Có hai khuyết là khuyết túi mật và khuyết dây chằng tròn gan.
Hình. Mặt tạng của gan
1.
Dây chằng tròn 2. Thùy vuông 3. Ấn kết tràng 4. Dây
chằng tĩnh mạch 5. Tĩnh mạch chủ dưới 6. Túi mật
Các dây chằng và các phương tiện cố định gan
Tĩnh mạch chủ dưới
Dính vào gan và có các tĩnh mạch gan nối chủ mô gan với tĩnh mạch chủ dưới.
Dây chằng vành
Gồm
hai nếp phúc phạc đi từ phúc mạc thành đến gan. Ở giữa hai lá xa rời
nhau giới hạn nên vùng trần. Hai bên hai lá tiến gần nhau tạo thành dây
chằng tam giác phải và trái.
Dây chằng liềm
Nối mặt hoành của gan vào thành bụng trước và cơ hoành.
Mạc nối nhỏ
Nối gan với dạ dày và tá tràng, bờ tự do của mạc nối nhỏ chứa cuống gan.
Dây chằng tròn gan
Là di tích tĩnh mạch rốn thời kỳ phôi thai, nằm giữa hai lá của dây chằng liềm đi từ rốn đến gan.
Dây chằng tĩnh mạch
Là di tích của ống tĩnh mạch thời kỳ phôi thai, đi từ tĩnh mạch cửa trái đến tĩnh mạch chủ dưới.
Mạch máu của gan
Khác
những cơ quan khác, gan không những nhận máu từ động mạch là động mạch
gan riêng mà còn nhận máu từ tĩnh mạch là tĩnh mạch cửa.
Ðộng mạch gan riêng
Động
mạch gan chung là nhánh tận của động mạch thân tạng, sau khi cho nhánh
động mạch vị tá tràng đổi tên thành động mạch gan riêng, chạy lên trên
đến cửa gan chia thành hai ngành phải và trái để nuôi dưỡng gan.
Tĩnh mạch cửa
Tĩnh
mạch nhận hầu hết máu từ hệ tiêu hóa cũng như từ lách đến gan trước khi
đổ vào hệ thống tuần hoàn chung. Tĩnh mạch cửa do tĩnh mạch lách họp
với tĩnh mạch mạc treo tràng trên tạo thành, chạy lên cửa gan chia hai
ngành phải và trái. Trên đường đi tĩnh mạch cửa nhận rất nhiều nhánh bên
như tĩnh mạch túi mật, các tĩnh mạch rốn, tĩnh mạch vị trái, tĩnh mạch
vị phải, tĩnh mạch trước môn vị và tĩnh mạch trực tràng trên... Ðến cửa
gan, tĩnh mạch cửa chia ra hai ngành là ngành phải và ngành trái để chạy
vào nửa gan phải và nửa gan trái.
Trong
trường hợp tĩnh mạch cửa bị tắc gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây ra
nhiều hậu quả nghiêm trọng như bụng báng, trướng tĩnh mạch thực quản,
trĩ... Các biểu hiện trên là do máu từ tĩnh mạch cửa qua gan bị hạn chế
nên đi qua các vòng nối giữa hệ cửa và hệ chủ:
Vòng
nối thực quản do tĩnh mạch vị trái thuộc hệ cửa nối với tĩnh mạch thực
quản là nhánh của tĩnh mạch đơn thuộc hệ chủ. Khi tăng áp lực tĩnh mạch
cửa tạo nên hiện tượng trướng tĩnh mạch thực quản.
Vòng
nối trực tràng do tĩnh mạch trực tràng trên là nhánh của tĩnh mạch mạc
treo tràng dưới thuộc hệ cửa nối với nhánh trực tràng giữa, nhánh trực
tràng dưới là nhánh của tĩnh mạch chậu trong thuộc hệ chủ. Khi tăng áp
lực tĩnh mạch cửa tạo nên trĩ.
Vòng nối quanh rốn do tĩnh mạch dây chằng tròn thuộc hệ cửa nối với tĩnh mạch thượng vị trên, dưới và ngực trong thuộc hệ chủ.
Ðộng
mạch gan riêng, tĩnh mạch cửa cùng ống mật chủ tạo nên cuống gan nằm
giữa hai lá mạc nối nhỏ. Liên quan giữa ba thành phần này như sau: tĩnh
mạch cửa nằm sau; động mạch gan riêng nằm phía trước bên trái; ống mật
chủ nằm phía trước bên phải. Ba thành phần chạy chung với nhau và lần
lượt phân chia thành các nhánh nhỏ dần và tận cùng ở khoảng cửa.
Các tĩnh mạch gan
Gồm
ba tĩnh mạch là tĩnh mạch gan phải, tĩnh mạch gan giữa và tĩnh mạch gan
trái. Các tĩnh mạch này dẫn máu từ gan về tĩnh mạch chủ dưới.
Phân thùy gan theo đường mạch mật
Do
yêu cầu phẫu thuật, các nhà giải phẫu đã nghiên cứu để phân chia gan
thành các phần nhỏ hơn. Hiện tại có nhiều cách phân chia gan theo phân
thuỳ, các tác giả đều dựa vào sự phân chia của đường mật trong gan để
phân chia gan thành các phân thuỳ. Sau đây là cách phân chia gan theo
Tôn Thất Tùng. Các thùy và phân thùy được xác định bằng các khe, trong
đó chỉ có một khe độc nhất là khe liên phân thuỳ trái là có thật trên bề
mặt của gan.
Khe giữa gan
Ở mặt hoành đi từ khuyết túi mật đến bờ trái tĩnh mạch chủ dưới.
Ở mặt tạng đi từ giữa hố túi mật đến bờ trái tĩnh mạch chủ dưới.
Khe giữa chia gan thành hai nửa là gan phải và trái, trong khe giữa có tĩnh mạch gan giữa.
Khe liên phân thùy phải
Từ
bờ phải tĩnh mạch chủ dưới song song bờ phải của gan, cách bờ này ba
khoát ngón tay, khe chứa tĩnh mạch gan phải. Khe liên phân thuỳ phải
chia gan phải thành hai phân thùy là phân thuỳ sau và phân thuỳ trước.
Khe liên phân thùy trái
Mặt hoành, khe là đường bám dây chằng liềm.
Mặt tạng, khe tương ứng với rãnh dọc trái.
Khe liên phân thuỳ trái chứa tĩnh mạch gan trái, chia gan trái thành hai phân thùy là phân thuỳ giữa và phân thuỳ bên.
Khe phụ giữa thùy phải
Thường không rõ ràng, chia phân thùy trước thành hạ phân thùy V và VIII, và phân thùy sau thành hạ phân thùy VI và VII.
Khe phụ giữa thùy trái
Ở
mặt hoành đi từ bờ trái của tĩnh mạch chủ dưới đến 1/3 sau và 2/3 trước
bờ dưới của gan trái. Ở mặt tạng: đi từ đầu trái cửa gan đến nối 1/3
sau và 2/3 trước bờ dưới của gan trái. Khe này chia phân thùy bên thành
hạ phân thùy II và III, còn hạ phân thùy I tương ứng với thùy đuôi.
Hình. Các hạ phân thùy của gan
Ðường mật
Mật
được thành lập trong gan, đổ vào các tiểu quản mật, sau đó về các ống
mật gian tiểu thùy, từ đây lần lượt được vận chuyển đến các mạch mật lớn
hơn để cuối cùng tập trung vào hai ống gan phải và gan trái, hai ống
này họp nhau lại thành ống gan chung. Ống gan chung hợp với ống túi mật
thành ống mật chủ. Người ta thường chia đường dẫn mật thành hai phần
là đường dẫn mật ngoài gan và trong gan.
Ðường mật trong gan
Là các ống mật hạ phân thuỳ và phân thuỳ nằm trong nhu mô gan.
Ðường mật ngoài gan
Gồm đường mật chính và phụ.
Ðường mật chính: gồm ống gan và ống mật chủ nhật.
Ống gan gồm ống gan phải và ống gan trái họp thành ống gan chung.
Ống
mật chủ do ống gan chung họp với ống túi mật tạo thành. Trước khi đổ
vào tá tràng, ống mật chủ cùng với ống tuỵ chính tạo nên bóng gan tuỵ,
có cơ vòng bóng gan tuỵ ngăn không cho trào ngựợc dịch tá tràng vào ống
mật chủ và ống tuỵ chính.
Ðường mật phụ: gồm túi mật và ống túi mật.
Túi mật là nơi dự trữ mật, hình quả lê nằm ở mặt tạng của gan. Gồm có một đáy, một thân và một cổ nối với ống túi mật.
Ống túi mật nối giữa túi mật và ống mật chủ.
Hình. Đường mật ngoài gan
1.
Ống gan phải 2. Cổ túi mật 3. Thân túi mật 4. Đáy túi mật 5. Tá
tráng 6. Nhú tá bé 7.8. Nhú tá lớn 9. Ống gan trái 10. Ống gan
chung 11. Ống túi mật 12. Ống mật chủ 13. Tá tràng 14. Ống tụy
chính 15. Bóng gan tụy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét