Các phương pháp điều trị khớp gối theo y học hiện đại
Thoái hóa khớp
là một bệnh khớp thường gặp nhất ở người cao tuổi với trên 50% những
người trên 35 tuổi có biểu hiện ít nhất một triệu chứng của bệnh, tỷ lệ
này lên tới 80% ở những người trên 70 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi tổn
thương thoái hóa của sụn khớp với quá trình mất sụn khớp và tổn thương
xơ hóa xương dưới sụn, từ đó gây ra tổ chức xương cạnh khớp tân tạo và
hốc xương dưới sụn.
Tổn thương thoái hóa khớp
thường gặp ở các khớp chịu lực: khớp gối, khớp háng hoặc thoái hóa cột
sống. Ngoài ra cũng gặp thoái hóa ở các khớp nhỏ ngoại vi có chức năng
vận động cơ học nhiều như khớp bàn ngón cái và các khớp ngón xa ở tay,
chân. Trong đó bệnh thoái hóa khớp gối rất hay gặp ở
nước ta (thường gặp hơn ở nữ giới) với chi phí xã hội cho chẩn đoán,
phòng và điều trị bệnh ngày càng tăng cao.
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối dựa vào hỏi
bệnh với triệu chứng đau khớp kiểu cơ học: đau tăng khi vận động, đặc
biệt khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, động tác đi bộ lên- xuống cầu
thang; đau giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh có thể cảm nhận tiếng khớp lạo
xạo khi vận động kèm hạn chế vận động, gấp, duỗi bị đau khop goi.
Khớp có thể biến dạng, sưng hoặc lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O)
hoặc kiểu chân chữ X. Hình ảnh Xquang điển hình của thoái hóa khớp gối
bao gồm hình ảnh hẹp khe khớp không đều (thường hẹp nhiều ở mặt trong),
kết đặc xương dưới sụn, hình ảnh mọc thêm xương (gai xương, chồi xương).
Hiện tại chưa có thuốc nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp.
Điều trị thoái hóa khớp gối nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân và duy
trì vận động khớp. Các phương thức điều trị bao gồm điều trị nội khoa
và điều trị ngoại khoa. Lựa chọn chương trình điều trị thích hợp cho
bệnh nhân phải dựa trên hoàn cảnh cụ thể của bệnh nhân đó, như tuổi,
trọng lượng, mức độ thoái hóa cũng như các bệnh kèm theo.
Các biện pháp điều trị không dùng thuốc
Cần tránh cho khớp gối bị quá tải bởi
mức độ vận động và trọng lượng quá mức bằng giảm các vận động chịu tải,
giảm béo. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân nên đi nạng 1 hoặc 2 bên.
Vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau
tốt, với mục đích chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp,
điều trị đau gân và cơ kết hợp tăng sức mạnh của cơ. Các biện pháp bao
gồm mát-xa cơ, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng (hồng
ngoại, sóng ngắn, điện phân…).
Thay đổi nghề nghiệp của bệnh nhân nếu
có thể, như lựa chọn nghề ít đi lại, ít chịu tải trọng, tìm các biện
pháp cho bệnh nhân thích nghi với điều kiện làm việc.
Về tập luyện: Có thể tập các bài tập như
chạy bộ khi khớp chưa có tổn thương Xquang, nghĩa là khe khớp vẫn còn
bình thường. Chú ý tránh đi bộ nhiều trong giai đoạn khớp gối đang đau.
Đây là một sai lầm mà nhiều bệnh nhân hay mắc phải. Bơi hoặc đạp xe đạp
tại chỗ là các biện pháp tập luyện tốt.
Thuốc điều trị bao gồm
các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc paracetamol kết hợp
codein (efferalgan codein). Trường hợp không đáp ứng thì dùng phối hợp
thuốc giảm đau chống viêm không steroid toàn thân (uống hoặc tiêm) hoặc
bôi tại chỗ; hoặc dùng corticoid tiêm nội khớp với hiệu quả tương đối
tốt. Lưu ý tiêm khớp phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và tiến
hành tiêm trong điều kiện vô khuẩn tuyệt đối.
Điều trị ngoại khoa thoái hóa khớp gối
Bao gồm nội soi khớp, đục xương chỉnh
trục, thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối. Điều trị ngoại khoa thường
được chỉ định với các trường hợp khớp gối hạn chế chức năng nhiều, khe
khớp hẹp nặng, biến dạng khớp hoặc đau khớp kháng lại với các phương
thức điều trị nội khoa.
Điều trị qua nội soi khớp: Bằng nội soi
khớp gối, người ta có thể rửa khớp loại bỏ các yếu tố gây viêm, lấy bỏ
các dị vật trong khớp (có thể là các mẩu sụn khớp bị bong ra, hoặc các
thành phần bị canxi hóa), gọt giũa bề mặt không đều của sụn, cắt bỏ các
sụn chêm bị tổn thương.
Cũng thông qua nội soi khớp có thể tiến
hành ghép sụn lên bề mặt của sụn bị thoái hóa. Miếng sụn ghép được lấy
từ sụn lành ở chính khớp gối soi (với diện tích nhỏ, ở nhiều vị trí trên
khớp sao cho không gây ra một thoái hóa khớp thứ phát mới); hoặc người
ta lấy sụn ra nuôi cấy ở môi trường thích hợp bên ngoài, nhằm mục đích
nhân lên các tế bào sụn; hoặc tạo ra sụn từ các tế bào gốc. Sau khi đạt
được thể tích sụn nhất định sẽ đem cấy ghép vào bề mặt sụn tổn thương.
Mảnh sụn ghép sẽ phát triển do được nhúng vào các vùng xương được tưới
máu. Kết quả bề mặt sụn bị thoái hóa được phủ bởi lớp sụn mới. Tuy nhiên
hiệu quả đạt được của các kỹ thuật ghép sụn trên còn chưa cao, do đó
chưa áp dụng rộng rãi.
Đục xương chỉnh trục ở xương chày hoặc
xương đùi là kỹ thuật tốt để sửa chữa các khớp bị lệch trục như khớp gối
vẹo vào trong hoặc cong ra ngoài.
Thay khớp gối nhân tạo từng phần hoặc
toàn phần: Chỉ định đối với các trường hợp thoái hóa khớp gối nặng mà
các biện pháp điều trị khác không hiệu quả.
Dự phòng thoái hóa khớp
- Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động. Tránh các động tác mạnh, đột ngột khi mang vác hoặc lao động nặng.
- Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng.
- Phát hiện và sửa chữa các dị dạng xương, khớp gối, đặc biệt ở trẻ em.
- Đục xương chỉnh trục trong lệch trục khớp gối (vừa là dự phòng, vừa để điều trị thoái hóa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét