Cân nhắc với nhóm thuốc macrolid
Hiện nay trong việc dùng thuốc kháng sinh, tại các
nhà thuốc, phòng mạch tư đang có hiện tượng lạm dụng các thuốc mới đắt
tiền. Một trong những thuốc đó là nhóm thuốc macrolid.
Dĩ nhiên,
khi bán các kháng sinh mới họ mới thu được lợi nhuận nhiều hơn. Với giá
cả như vậy, người bệnh phải gồng lưng mà chịu trận. Khác với trong bệnh
viện, thầy thuốc điều trị dựa vào kháng sinh đồ, tức là điều trị nhiễm
khuẩn dựa vào độ nhạy cảm của kháng sinh đối với vi khuẩn. Tuy vậy, khi
mới nhập viện chưa có kháng sinh đồ thì thầy thuốc điều trị nhiễm khuẩn
dựa vào lâm sàng và kinh nghiệm của mình để chọn kháng sinh.
Macrolid
là nhóm thuốc kháng sinh có vòng lacton từ 12 - 17 nguyên tử cacbon hay
được dùng trong điều trị với tên thuốc gốc rất quen thuộc ra đời từ năm
1952 đó là Erythromycin. Hiện nay trên thị trường nhóm thuốc này có rất
nhiều biệt dược dạng uống rất thông dụng để điều trị nhiễm khuẩn đường
hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản), nhiễm trùng da, mô mềm. Gần đây, tình
trạng lạm dụng thuốc và dùng thuốc không đúng cách như: uống không đủ
liều, không đủ thời gian đã làm thuốc này ít nhiều bị một số vi khuẩn
kháng lại. Tuy vậy, đây vẫn là loại kháng sinh tốt được lựa chọn để điều
trị các nhiễm khuẩn nhạy cảm như: nhiễm trùng tai, mũi, họng, viêm phế
quản, viêm xoang, nhiễm trùng cơ hội trong bệnh AIDS, nhiễm Helicobacter
pylori trong loét dạ dày - tá tràng... Thuốc được phân bố tốt trong
các tổ chức, đặc biệt là xương và dịch phế quản. Đối với các vi khuẩn đề
kháng penicillin thì macrolid là nhóm kháng sinh được lựa chọn để thay
thế.
Các macrolid tự nhiên được điều chế chủ yếu từ môi trường
nuôi cấy vi khuẩn Streptomyces. Còn các kháng sinh bán tổng hợp được đi
từ macrolid tự nhiên rồi thay đổi một số nhóm thế nhằm khắc phục các
nhược điểm của macrolid gốc (Roxithromycin, Clarithromycin,
Azithromycin...). Xuất phát từ Erythromycin, khi thay đổi nhóm thế,
người ta tạo ra được các sản phẩm bền vững hơn trong môi trường axít,
nâng cao tính sinh khả dụng (tăng độ hấp thu qua ruột non) và mở rộng
phổ tác dụng trên vi khuẩn.
Các kháng sinh nhóm macrolid được chỉ
định điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn răng miệng, viêm
đường tiết niệu, sinh dục, nhiễm khuẩn da... Dạng thuốc hay dùng là viên
nén, viên nang để uống. Dạng tiêm chỉ để dùng trong bệnh viện. Chú ý
nguy cơ tương tác thuốc, đặc biệt với các thuốc kháng histamin.
Thuốc
đầu tiên, Erythromycin, do thời gian bán thải ngắn nên phải uống nhiều
lần trong ngày. Vì vậy sự ra đời của các macrolid bán tổng hợp đã khắc
phục được nhược điểm này. Hiện nay trên thị trường đang có các loại như
sau:
Roxithromycin (Rulid): hay được dùng vì nguy cơ tương tác thuốc giảm hơn so với erythromycin.
Clarithromycin:
hiện nay hay được dùng với amoxycillin và metronidazol trong phác đồ
điều trị loét dạ dày - tá tràng do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (kết
hợp thêm với một thuốc ức chế bơm proton như omeprazol). Ngoài ra,
Clarithromycin còn được dùng để điều trị bệnh nhân AIDS.
Spiramycin
(Rovamycin): lựa chọn cho phụ nữ có thai. Thuốc chịu đựng được môi
trường axít, không độc đối với gan, thời gian bán hủy dài (6 - 8 giờ).
Hiện nay trên thị trường có dạng kết hợp với metronidazol (Rodogyl) dùng
để điều trị nhiễm khuẩn kỵ khí, hay dùng trong nhiễm khuẩn răng hàm
mặt...
Azithromycin (Zithromax): thấm rất nhiều vào mô (trừ dịch
não tủy). Có phổ tác dụng rộng hơn và thời gian bán thải rất dài (hơn 70
giờ) cho nên chỉ cần dùng một lần trong ngày và không quá 5 viên hàm
lượng 500mg trong một đợt điều trị.
Nhóm kháng sinh macrolid là
dạng thuốc được dùng phổ biến và đường dùng chủ yếu là đường uống, thuốc
được dung nạp tốt, có thể dùng cho phụ nữ có thai, và được dùng cho
bệnh nhân AIDS để điều trị các nhiễm trùng cơ hội. Đây là thuốc có nhiều
biệt dược đắt tiền nên các nhân viên y tế cần cân nhắc trước khi dùng
để đỡ gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân.
Theo SK&ĐS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét