Rối loạn đông máu: Bệnh phải sống nhờ máu người khác
Không thể sống thiếu máu của người khác,
không được va chạm mạnh, không được chơi thể thao... cần được chăm sóc
liên tục và điều trị trong lúc cần thiết. Đó là những yêu cầu đặt ra với
bệnh nhân mắc chứng bệnh rối loạn đông máu.
Hàng năm số bệnh nhân mắc bệnh rối loạn đông máu được
BV Nhi Trung ương quản lý vào khoảng 100 trường hợp. Đây thực sự là
gánh nặng đối với mỗi gia đình nếu không điều trị các cháu không thể
sống được.
Truyền máu tươi để sống
Nhìn bề ngoài với nước da trắng trẻo, người tròn trịa không ai nghĩ bé
Đỗ Thị Vang, ở Hậu Lộc, Thanh Hoá bị thiếu máu. Mới 15 tuổi đầu, Vang đã
phải truyền 20 lít máu. Dĩ nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng bởi
muốn duy trì sự sống, Vang cần tiếp máu mỗi khi cần thiết.
Năm 3 tuổi, mẹ phát hiện trên người con gái xuất những vết thâm tím nhưng lại không đau.
Gia đình không quá bất ngờ bởi anh trai của Vang cũng
có biểu hiện thâm tím ở tay, bụng. Anh trai Vang được chẩn đoán mắc
bệnh không định lượng được Vitamin K (một trong những bệnh liên quan tới
rối loạn đông máu). Lớn thêm vài tuổi, một lần, Vang đi xe đạp bị ngã
dập bàng quang chảy máu phải vào viện điều trị.
Khổ nhất là đến thời điểm con gái dậy thì, mỗi tháng, đến kỳ kinh, máu ra không cầm được, Vang đã phải truyền tới 20 lít máu.
BS Dương Bá Trực, Trưởng khoa huyết học lâm sàng (BV
Nhi Trung ương) cho biết: ''Đối với trường hợp của bé Vang, chúng tôi
phải sử dụng thuốc không cho nội tiết tố xuất hiện nhằm kéo dài vòng
kinh, kết hợp truyền máu tươi''.
Chăm sóc con gái gần 1 tháng trong BV, chị Nguyễn Thị Tư, mẹ bé Vang tâm
sự: ''Đây là lần thứ 3 tôi theo con vào viện. Cả nhà làm ruộng mỗi lần
con vài viện lo lắm nhưng phải cố thôi. Đợt điều trị kéo dài nhất là năm
2004 gia đình vay ngược vay xuôi mới đủ 28 triệu trả điều trị cho con.
Giờ biết bệnh và cách điều trị mỗi tháng cũng mất vài triệu''.
Hai anh em Vang đều mắc bệnh rối loạn đông máu nhưng rất may được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trong khi đó, một đứa con của chị Bùi Thị Quyên ở
Thái Nguyên đã mất khi mới hơn 3 tháng tuổi. do cả nhà tưởng bé bị viêm
da khi trên mặt xuất hiện lấm tấm nốt đỏ.
Gia đình cho bé đi khám bệnh viện tỉnh thì được chẩn
đoán sốt và cho về nhà điều trị. Sau đó, bé vẫn khóc và yếu dần, cả nhà
cho cấp cứu vào viện thì cháu đã tràn máu não và tử vong.
Rút kinh nghiệm của anh trai, con gái Bùi Thị Thu mới
3 tháng 10 ngày cũng có những biểu hiện khác thường: tím ở nách, chảy
máu 2 ngày không cầm... chị Quyên đưa con lên BV Nhi Trung ương. Tại
đây, các bác sĩ chẩn đoán bé Thu mắc bệnh liên quan đến rối loạn đông
máu phải điều trị bằng vitamin K.
Chăm sóc liên tục và điều trị lúc cần thiết
Đó là yêu cầu đặt ra với những người không may mắc
phải căn bệnh này. Theo BS Dương Bá Trực, những bệnh nhân này mắc bệnh
Hemophilia.
Đây là bệnh rối loạn đông máu di truyền do giảm hoặc
bất thường yếu tố đông máu. Biểu hiện bệnh là chảy máu lâu cầm ở khắp
các bộ phận của cơ thể và thường gặp nhất ở cơ và khớp.
Sơ đồ di truyền bệnh rối loạn đông máu (Ảnh: VNN)
Đây là bệnh rối loạn đông máu di truyền do giảm hoặc
bất thường yếu tố đông máu. Biểu hiện bệnh là chảy máu lâu cầm ở khắp
các bộ phận của cơ thể và thường gặp nhất ở cơ và khớp.
BS Dương Bá Trực cho biết: Hiện nhiều tuyến y tế cơ
sở do chưa có xét nghiệm đông máu, chưa hiểu sâu về bệnh, thậm chí không
biết gì về bệnh dẫn tới bệnh nhân bị tai biến do chuẩn đoán nhầm.
Bên cạnh việc người bệnh tự chăm sóc, các bác sĩ cũng cần được nâng cao hiểu biết về căn bệnh này cũng như cách điều trị.
Đây là bệnh phải điều trị suốt đời nên khá tốn kém và là bệnh di truyền.
Trong khi đó, bảo hiểm y tế chưa chi trả cho những trường hợp mắc bệnh
bẩm sinh, di truyền. Nhiều gia đình rất khó khăn khi người mắc bệnh. Do
đó, việc bảo hiểm y tế chi trả là rất cần thiết.
''Hiện ở những nước tiên tiến đã sử dụng công
nghệ sinh học làm ra chất chống lại hemophilia mà không cần đến máu từ
cơ thể người khác. Tuy nhiên, đây là thuốc mới và đắt tiền nên đến nay
các bệnh viện đang đề nghị cho nhập khẩu chất chống lại hemophilia chứ
chưa đủ khả năng tự mua'', BS Trực cho hay.
Trước mắt, khi chưa có thuốc chống lại hemophilia để
duy trì tốt cuộc sống, những người mắc bệnh này rất cần sự giúp đỡ của
cộng đồng thông qua chương trình hiến máu nhân đạo.
Được biết, hiện ở Việt Nam, ước tính có khoảng 5.000
bệnh nhân mắc bệnh này trong đó số được chẩn đoán và quản lý là 800
(chiếm 16%). Trong đó, gần một nửa bệnh nhân hemophilia có tiền sử gia
đình, nhiều trường hợp một gia đình có nhiều người bị bệnh và một dòng
họ có nhiều đời bị bệnh.
Theo ý kiến của các chuyên gia, để hạn chế tỷ lệ mắc,
người bệnh cần được phát hiện sớm. Chẳng hạn, nếu trong gia đình bạn đã
có người bị hemophilia thì trước khi quyết định sinh con cần được thầy
thuốc chỉ dẫn về di truyền, xác định nguy cơ truyền bệnh cho con bạn.
Lệ Hà
Lệ Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét