Cha mẹ hãy đọc để không hại con vì sự thiếu hiểu biết khi chữa bỏng
Nhiều phụ huynh lại tin vào thầy lang đắp lá thuốc, dùng mẹo để chữa bỏng cho con khiến trẻ đối mặt với nguy hiểm.
Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị, trực cấp cứu tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, cháu Linh được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bỏng phần nửa dưới lưng, mông phải, đùi, cẳng chân phải… Điều nguy hiểm, ở vùng da đắp lá đã có dấu hiệu biến chứng viêm, loét, hoại tử do bệnh nhân đến muộn nên các bác sĩ chỉ tiến hành sơ cứu sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên tiếp tục điều trị.
Theo chia sẻ của gia đình, bố mẹ bé Linh đi làm ăn xa nên gửi con cho ông bà trông nom. Khi bé Linh bị bỏng nước sôi, ông bà không đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu mà nghe theo thầy lang chữa bỏng bằng cách đắp lá lên vết bỏng.
Người nhà bé Linh kể lại, ngày 22/11, sau 9 ngày đắp lá, bé bị sốt cao, da tái nhợt. Bé Linh xuất hiện một số triệu chứng bất thường ở vết bỏng và đi ngoài phân đen thì gia đình mới tá hỏa đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu.
Cũng theo tìm hiểu của PV, không chỉ riêng trường hợp bé Linh, nhiều trường hợp bị bỏng gia đình tự ý chữa mẹo bằng các bài thuốc truyền miệng trong dân gian hoặc đến thầy lang bốc thuốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, vết thương bỏng trở nên nặng hơn, hoại tử da, gây tai biến, để lại di chứng nặng nề.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Xanh-Pôn đã ghi nhận nhiều trường hợp bị biến chứng do các bậc cha mẹ chữa bỏng phản khoa học. Nhiều trường hợp được đưa đến bệnh viện đã ở trong tình trạng rất nguy kịch. Có trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi, gia đình lấy nước đá đắp vào vết bỏng để hạ nhiệt, hậu quả là trẻ bị tê bì các nút dây thần kinh và bỏng lạnh.
Cách đây không lâu, bé Chu Thị Quỳnh Thu, 3 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên bị bỏng nặng toàn thân do lúc mẹ bé pha nước tắm, bất cẩn nên cháu Thu đã bị ngã vào chậu nước nóng.
Bố mẹ của cháu đã lấy nước dội vào vết bỏng và lột quần áo của cháu không đúng cách nên ảnh hưởng nặng đến da. Bố mẹ đưa bé Thu đi cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bác sĩ kết luận cháu bỏng rộng 65% cơ thể.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã dùng thuốc xịt bỏng, dùng gạc vô khuẩn băng vị trí bỏng, thuốc giảm đau, truyền dịch và kháng sinh trước khi chuyển bé sang viện Bỏng Quốc gia để điều trị tiếp.
Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị khuyến cáo, ở các vùng nông thôn, khi trẻ bị bỏng, phụ huynh thường đưa trẻ đến các thầy lang để chữa trị bằng thuốc Nam hoặc tự ý chữa mẹo bằng các bài thuốc truyền miệng trong dân gian (bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng, ngâm nước đá…). Trong khi đó, việc điều trị không đúng cách sẽ hết sức nguy hại vì sẽ khiến vết thương bỏng trở nên nặng hơn, gây tai biến, để lại di chứng nặng nề.
“Khi trẻ bị bỏng, cần sơ cứu đúng cách, sau đó chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và can thiệp kịp thời”, BS. Nghị tư vấn.
Các bác sĩ cũng lưu ý, do mất nước qua vết bỏng, rối loạn vi tuần hoàn (giảm lượng máu lưu thông) nên bệnh nhân bỏng rất dễ bị sốc nặng. Cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm yên tĩnh, động viên, an ủi họ.
* Tên nhân vật đã thay đổi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét