Đừng chủ quan với bệnh viêm xoang
Đừng chủ quan với bệnh viêm xoang
Khi
sổ mũi, nhức đầu…nhiều người chủ quan, xem thường mà không biết rằng đây
là một trong những biểu hiện khởi đầu của bệnh viêm xoang. Bệnh tiến
triển nặng có thể gây ra nhiều biến chứng : mù mắt, viêm màng não, thậm
chí tử vong…
Nguy cơ từ nhiều phía
Theo bác sĩ (BS) Võ Quang Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai-Mũi-Họng
TP.HCM, viêm mũi xoang thường do điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, cơ địa
yếu hoặc có thể do dị ứng với một tác nhân nào đó trong môi trường như
bụi khói, phấn hoa, lông gà vịt… Bệnh cũng có thể do bị vẹo vách ngăn
làm bít tắc lỗ thông xoang hoặc do viêm mũi kéo dài không được điều trị
sớm. Ở trẻ em, viêm xoang thường do viêm đường hô hấp trên tái đi tái
lại, viêm VA hoặc amiđan.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như:
- Viêm xoang do răng (thường gặp ở người lớn do sâu răng hàm trên).
Người bệnh cảm thấy đau nhức vùng má, nhức đầu, sổ mũi xanh và hôi. Bệnh
này khi điều trị cần phải có sự kết hợp giữa chuyên khoa tai mũi họng
và răng hàm mặt, đôi khi chỉ cần “bứng” ổ nhiễm khuẩn từ răng sâu là cải
thiện đáng kể tình trạng viêm xoang vùng này.
- Viêm xoang do nấm: thường gặp ở người lớn với triệu chứng chung là
nghẹt mũi, sổ mũi, nhức đầu từ nhẹ đến dữ dội. Bệnh nhân không chảy mũi
mà bị những cơn nhức đầu khủng khiếp hành hạ, choáng váng, không đi lại
nổi, mờ mắt, buồn nôn… dễ lầm tưởng đến những bệnh viêm nhiễm vùng não.
Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là phẫu thuật nội soi.
- Viêm xoang do dị ứng: đây là loại viêm xoang rất khó điều trị dứt
điểm, dễ tái phát, dễ trở thành bệnh mạn tính. Bệnh xảy ra do tiếp xúc
với phấn hoa, bụi, hóa chất, thay đổi khí hậu. Bệnh này thường không cần
dùng kháng sinh, chỉ cần dùng thuốc kháng dị ứng bằng đường uống hoặc
xịt mũi.
- Viêm mũi xoang xuất tiết: thường gặp lúc giao mùa, do thời tiết,
lúc đó sức đề kháng cơ thể không thích nghi kịp, thường gặp ở trẻ em.
Loại viêm xoang này thường nhẹ, chỉ cần dùng những liều thuốc cảm thông
thường thì sẽ hết.
Dấu hiệu để phân biệt các loại xoang
Có thể chia làm hai loại xoang: xoang trước (gồm xoang trán, xoang
mũi, xoang hàm, xoang sàng trước) và xoang sau (gồm xoang sàng sau,
xoang bướm). Khi niêm mạc xoang bị viêm ở vùng nào đó, chẳng hạn ở vùng
mũi thì gọi là viêm xoang mũi (hay mũi xoang), nếu nhiều loại xoang bị
viêm cùng lúc thì gọi là viêm đa xoang.
Khi bị nhức đầu, nếu là viêm vùng xoang trước, người bệnh sẽ cảm thấy
nhức vùng má (xoang hàm), vùng trán, nhất là chỗ giao nhau giữa hai
chân mày (xoang trán), nhức giữa hai mắt (xoang sàng trước); còn nếu
viêm xoang sau thì bệnh nhân thường bị nhức sâu bên trong và vùng sau
ót. Triệu chứng nhức vùng sau ót rất đau đớn, có khi dễ chẩn đoán nhầm
với thoái hóa đốt sống cổ. Nếu viêm các xoang trước, bệnh nhân thường
chảy dịch mũi ra phía ngoài, mũi thường xuyên khụt khịt, nghẹt mũi; còn
viêm vùng xoang sau thì nước dịch chảy ngược vào họng, tạo cảm giác luôn
muốn khạc nhổ và dễ gây các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Những biến chứng
Viêm xoang nếu không được điều trị dù là nguyên nhân nào cũng dễ đưa
đến nhiều biến chứng như polyp ở mũi (như những bong bóng cá), làm bệnh
nhân khó thở do niêm mạc mũi bị thoái hóa. Nặng hơn có thể biến chứng
vào ổ mắt: làm sưng tấy vùng mắt, vùng mi mắt, giảm thị lực, có thể dẫn
tới mù mắt. Một số trường hợp dẫn tới viêm màng não, thậm chí là tử vong
nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị và phòng ngừa
Hiện nay, tất cả các trường hợp viêm xoang nặng có thể được phẫu
thuật qua nội soi chứ không phải mổ hở như trước đây. Phương pháp nội
soi giúp lấy hết các bệnh tích, các mô viêm nhiễm mà không làm sưng tấy
mặt như trường hợp mổ đồng thời giảm thiểu chảy máu, rút ngắn thời gian
điều trị. Thông thường, một ca phẫu thuật viêm xoang hiện nay thời gian
nằm viện từ ba-năm ngày. Cần lưu ý là viêm xoang rất dễ bị tái phát nên
bệnh nhân cần phải tái khám định kỳ và tuân thủ theo lời khuyên của BS.
Phòng ngừa đơn giản nhất là mang khẩu trang khi tiếp xúc với khói
bụi, vệ sinh mũi hàng ngày bằng cách nhỏ, xịt nước muối sinh lý. Nếu sổ
mũi khoảng ba-bốn ngày trở lên, nước mũi có màu xanh thì nên khám BS
chuyên khoa tai mũi họng ngay. Khi đi bơi lội nên chọn những hồ bơi, bãi
biển sạch, tránh sự viêm nhiễm từ môi trường. Đặc biệt là nên giữ ấm cơ
thể khi thời tiết giao mùa.
Riêng đối với trẻ em, BS Võ Quang Phúc cho biết: khi có dấu hiệu viêm
nhiễm đường hô hấp cần đi khám ngay để định bệnh vì viêm xoang ở trẻ em
thường do viêm VA, amiđan và tùy trường hợp, chỉ cần nạo VA, cắt amiđan
là khỏi bệnh. Trẻ em sẽ không cần mổ vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển
của khối xương mặt khi trưởng thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét