waveometa menu

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Những bài thuốc từ con rắn

Những bài thuốc từ con rắn
Trên thế giới có hàng nghìn loài rắn, trong đó có hàng trăm loài rắn độc. Ở Việt Nam có gần 200 loài rắn, trong đó có 41 loài rắn độc, 17 loài rắn trên cạn, 24 loài rắn biển, 116 loài rắn nước. Rắn là một dược liệu quý, được sử dụng làm thuốc từ lâu. Nhìn từ góc độ y học cổ truyền, mỗi bộ phận trên con rắn đều được sử dụng để chữa bệnh.
Trong biểu trưng của ngành y, con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape - thần bổn mệnh của các thầy thuốc, tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa bệnh và cả sự trường thọ. Trong biểu tượng của ngành dược cũng sử dụng con rắn nhưng nó quấn quanh một cái li có chân, chiếc li bên trong chứa dịch chiết các loại thực vật của nữ thần sức khỏe Hygia - con gái của thần Esculape. Con rắn tượng trưng cho sức khỏe và sự trẻ trung (bởi chúng tự lột da để trẻ hóa).
1. Thịt rắn:
Các công trình nghiên cứu về thịt rắn đã công bố cho thấy, trong thịt rắn cạn có chứa các chất protit và axit amin, trong đó có nhiều axit amin rất cần thiết cho cơ thể như lycin, leucin, arginin, valin; thịt rắn biển về cơ bản cũng giống thịt rắn cạn. Thịt rắn không những là một vị thuốc bổ dưỡng mà còn chữa được nhiều chứng bệnh thần kinh đau nhức, bất toại, các cơn co giật...
- Tính vị: ngọt, ấm, hơi độc.
- Công dụng: khu phong, hoạt lạc, sát trùng, giảm ngứa.
- Chủ trị: phong thấp, vết loét lâu lành.
- Dạng dùng: làm ruốc, chả, nấu canh… ăn để bồi bổ sức khỏe.
Dạng thường dùng nhất là ngâm rắn với rượu để uống. Dùng 3-9 con rắn (trong đó có 1 con rắn hổ mang chúa), sau khi mổ bỏ hết phủ tạng và mỡ, lau sạch cả trong lẫn ngoài bằng giấy bản tẩm cồn hoặc rượu, cho vào bình. Để tăng tác dụng và làm mất mùi tanh của rắn, cho thêm tắc kè, cá ngựa, chim bìm bịp và một số vị thuốc: sâm, đương quy, thục địa, mật ong... Đổ rượu trắng 40 độ ngập các thứ trong bình, nút kín, ngâm 100 ngày trong chỗ tối. Khi dùng uống đều đặn mỗi ngày 20-40 ml, có tác dụng chữa đau mỏi xương khớp, làm thông máu, tráng dương, tăng số lượng tinh trùng và sự di chuyển của tinh trùng.
2. Da rắn:
Da rắn được tách ra khi giết rắn. Dùng tươi hoặc sấy khô.
- Công dụng: sát trùng, sạch vết thương.
- Chủ trị: vết loét lâu lành, đau răng.
- Dạng dùng: sấy khô, tán bột, dùng chấm vào chỗ răng bị đau.
- Liều dùng: lượng phù hợp.
3. Mật rắn:
Túi mật rắn to bằng hạt ngô, mật rắn là chất lỏng sánh, không đắng như mật của các loài động vật khác, khi nếm lúc đầu chỉ thấy hơi đắng, sau có vị ngọt, mùi thơm. Mật rắn có nhiều axit mật (cholic, ursodesoxycholic, glycocholic, hydrosodesoxycholic, β-fokecholic) và các chất cholesterin, taurin, axit palmitic, axit stearic... Mật rắn dùng tươi hoặc sấy khô, cũng có thể buộc chặt đầu ống túi mật đem treo ở chỗ thoáng mát cho khô tự nhiên rồi ngâm với rượu (gọi là xà đởm tửu) hoặc tẩm vào vỏ quýt già đã phơi sấy khô (gọi là xà đởm trần bì).
- Tính vị: ngọt, đắng, hơi hàn, hơi độc; vào kinh can và kinh tỳ.
- Công dụng: sát trùng trừ cam tích, sáng mắt trừ mộng, tiêu sưng giảm đau. Do rắn là loại động vật chỉ ăn thức ăn có nguồn gốc động vật, có những loại rất độc như cóc nên người ta cho rằng mật rắn có tác dụng tiêu viêm, trừ thấp rất mạnh.
- Chủ trị: trẻ em cam tích, lỵ lâu ngày không khỏi, đau bụng do giun sán, đau mắt có mộng thịt.
- Dạng dùng: hòa 1-1,5g mật tươi với rượu để uống hoặc nuốt nguyên cả cái rồi chiêu bằng rượu; dùng ngoài với liều phù hợp.
4. Máu rắn:
Máu rắn được lấy khi giết rắn.
- Công dụng: khu phong, trừ thấp.
- Chủ trị: đau xương khớp do phong thấp, đau lưng, chân tay tê bì.
- Dạng dùng: uống tươi mỗi lần 25 ml (dùng rượu để chiêu), hoặc pha với rượu để uống. Mỗi ngày dùng một lần, liên tục trong 5-7 ngày.
5. Xác rắn lột:
Thu hoạch xác rắn trong mùa rắn lột xác (nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm), rửa sạch, phơi khô và bảo quản nơi khô ráo. Trong xác rắn có các chất kẽm oxyd, titan oxyd, một số loài rắn có flavonoid.
- Tính vị: tính bình, vị ngọt mặn, hơi tanh.
- Công dụng: khu phong, an thần, trừ mộng thịt ở mắt, giảm ngứa. Xác rắn lột còn có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, giải độc.
- Chủ trị: chữa chứng co giật, ngứa ngoài da do phong chẩn, các vết loét, vết bỏng lâu ngày không khỏi.
- Dạng bào chế và cách dùng: sau khi rửa sạch, loại bỏ tạp chất, phơi khô, dùng rượu hoặc cam thảo hoặc mật ong chế, nghiền thành bột dùng bôi xoa bên ngoài để trị: chốc mép, tổ đỉa, ghẻ lở, ướt rốn; cũng có thể đốt cháy xác rắn lột thành than rồi thổi vào lỗ tai để chữa viêm tai giữa. Dưới hình thức sắc uống (6-12g/ngày) có tác dụng trị chứng đau cổ họng, trẻ em động kinh co giật. Một số nghiên cứu hiện nay cho thấy xác rắn lột có tác dụng kháng viêm và ngăn ngưng kết hồng cầu, độc tính của vị thuốc xác rắn rất thấp.
6. Nọc rắn:
Thu hoạch nọc rắn bằng cách để răng độc của rắn tỳ vào thành hộp Petri, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp nhẹ vào hai bên mang tai rắn để kích thích tuyến nọc độc nằm ở dưới da mỗi bên mang tai, nọc rắn sẽ chảy vào răng độc rồi theo r•nh của răng độc chảy vào hộp Petri (mỗi con rắn cho khoảng 0,25 ml nọc mỗi lần lấy). Làm khô nọc tươi bằng hóa chất hoặc sấy trong chân không, rồi đóng vào ống thủy tinh, hàn kín lại, bảo quản ở nơi thoáng mát, ánh sáng yếu trước khi đem chế thuốc dùng.
- Công dụng: hoạt huyết, thông lạc.
- Chủ trị: chữa bệnh mạch vành, hoại tử cơ tim, xơ cứng mạch máu não, viêm nội mạc mạch máu, xơ cứng bì… Đặc biệt từ nọc rắn, người ta chế ra huyết thanh kháng độc để chữa rắn cắn.
Những nghiên cứu hiện nay cho thấy nọc rắn có tác dụng đến hệ thống đông máu, tác động đến tim, gan, thận, hệ thống thần kinh… Nọc rắn có tác dụng kháng viêm, ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch…
7. Mỡ rắn:
Lấy mỡ rắn bằng cách mổ bụng rắn, tách các phiến mỡ màu trắng ngà ở xung quanh ống tiêu hóa. Rán nhỏ lửa cho mỡ chảy ra hết, để nguội rồi rót vào chai, lọ tối màu, đậy nắp kín, bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng.
Dùng mỡ rắn bôi xoa nhiều lần lên vết bỏng, chỗ đầu bị chốc có tác dụng nhanh lên da non.
8. Cao rắn toàn tính:
Dùng 3-7 loại rắn (trong đó có 1 con rắn hổ mang chúa), cắt tiết, lấy bỏ nội tạng, rửa sạch bằng cồn. Cho thêm một số vị thuốc có tác dụng trừ thấp, kiện tỳ, bổ thận, nấu cao toàn tính.
Khi sử dụng mỗi ngày dùng 3-5g hấp cơm, ăn trước bữa tối; cũng có thể dùng 100g cao pha với 1 lít rượu trắng 40 độ, uống mỗi ngày 20-40 ml. Cao rắn toàn tính đặc trị bệnh viêm khớp, thoái hóa khớp.
TS. ĐẶNG QUỐC KHÁNH
Cục Quân y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét