waveometa menu

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Lần đầu tiên, em bé có HIV được chữa khỏi

Lần đầu tiên, em bé có HIV được chữa khỏi

Theo tuyên bố mới nhất của các bác sĩ (BS) vào ngày Chủ Nhật qua, em bé sơ sinh đầu tiên trên thế giới đã được chữa khỏi HIV. Đây là bước phát triển mới, có thể làm thay đổi cách thức điều trị trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV và giảm đáng kể số lượng trẻ nhỏ phải sống chung với vi-rút gây nên căn bệnh AIDS trên toàn thế giới.

Em bé, sinh ra ở vùng quê Mississippi (Mỹ), được thử nghiệm chữa trị bằng thuốc kháng vi-rút ngay trong 30 giờ đầu tiên sau khi ra đời, theo cách không thông dụng. Nếu những thử nghiệm tiếp theo có tác dụng với những trẻ em khác, chắc chắn phương thức điều trị này sẽ được khuyến nghị trong việc điều trị cho trẻ sơ sinh nhiễm HIV trên toàn thế giới.

Liên Hợp Quốc cho biết năm 2011 có khoảng 330.000 trẻ sơ sinh mới nhiễm HIV và hơn 3 triệu trẻ em phải sống chung với vi-rút này trên toàn cầu.

Một khi kết quả này được xác nhận chính thức, em bé ở Mississippi sẽ là ca chữa trị HIV thành công thứ hai trên thế giới được ghi chép vào y văn. Đây là một thành tựu đáng khích lệ đối với giới y khoa toàn cầu vì chỉ vài năm trước đây, người ta thậm chí còn không tin là căn bệnh có thể chữa trị được và các chuyên gia cũng cảnh báo có thể phương thức điều trị ở trẻ nhỏ chưa chắc áp dụng được cho người lớn.

Được biết, người đầu tiên được chữa khỏi HIV là Timothy Brown, một bệnh nhân trung niên người Đức mắc bệnh bạch cầu, được điều trị theo cách ghép tủy có chứa gen kháng HIV.

BS. Deborah Persaud, hiện đang công tác tại Trung tâm Nhi khoa Johns Hopkins đồng thời là tác giả chính của bản báo cáo y khoa về trường hợp này cho biết: "Đối với lĩnh vực Nhi khoa, thành tựu này không khác gì ca Timothy Brown. Nếu tái thử nghiệm thành công với phương thức điều trị dựa trên nguyên lý này, chúng ta có thể chữa khỏi HIV".

Kết quả này được BS. Persaud và các cộng sự tiết lộ trước khi chính thức công bố tại Hội thảo về Thuốc kháng vi-rút và các bệnh nhiễm trùng cơ hội tại Atlanta ngày thứ Hai tuần này. Đến nay, kết quả này chưa hề được công bố trên bất cứ tạp chí y khoa nào.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia khác cho rằng họ cần thêm bằng chứng cho thấy đứa trẻ thực sự bị nhiễm HIV. Bởi nếu không chứng minh được đứa trẻ đã bị nhiễm HIV trước khi được điều trị thì đây chỉ là một trường hợp phòng ngừa, vốn đã được áp dụng từ bấy lâu nay cho những đứa trẻ do các bà mẹ có nhiễm HIV sinh ra.
BS. Daniel R. Kuritzkes, trưởng khoa nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng cơ hội của bệnh viện Brigham & Women ở Boston nhận định: "Điều không chắc chắn nhất chính là bằng chứng cho thấy đứa trẻ thực sự nhiễm bệnh".

Về phần mình, BS. Persaud  và các nhà khoa học khác cho biết họ chắc chắn đứa bé (danh tính và giới tính được giữ bí mật) đã bị lây nhiễm. Người ta đã tiến hành 5 lần xét nghiệm trong tháng đầu đời của đứa trẻ, đều cho kết quả dương tính; trong đó có bốn lần thử RNA và một lần thử DNA. Và khi các BS bắt đầu điều trị, họ ghi nhận tải lượng vi-rút trong máu em bé giảm đi so với mẫu máu của các bệnh nhân có lây nhiễm khác.
Đứa trẻ hiện đã được 2 tuổi rưỡi và đã được ngưng điều trị từ một năm nay, gần như không còn vi-rút trong cơ thể.

Trước đó, vào mùa thu 2010, mẹ của bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đang chuyển dạ và sinh non. Người mẹ không hề đi khám thai trong suốt thai kỳ và vì vậy không biết rằng mình đã nhiễm HIV. Sau khi có kết quả xét nghiệm cho biết người mẹ có khả năng đã nhiễm bệnh, các BS quyết định đưa đứa trẻ sang Trung tâm Y khoa ĐH Mississippi, ngay sau khi cháu bé chào đời được 30 giờ đồng hồ.
Lúc đó, BS. Nhi khoa Hannah B. Gay cho lấy máu xét nghiệm để kiểm tra xem có sự hiện diện của vi-rút HIV trong máu bé hay không.
Kết quả cho thấy tải lượng vi-rút có trong máu khá thấp đối với một em bé sơ sinh. Nhưng do các xét nghiệm sớm này cho kết quả dương tính, các BS cho rằng bé đã bị lây nhiễm từ khi còn trong bụng mẹ chứ không phải trong quá trình sinh nở.

Thông thường, những đứa trẻ do bà mẹ nhiễm HIV sinh ra được chỉ định cho dùng một đến hai loại thuốc dự phòng. Nhưng dựa trên kinh nghiệm của mình, BS Gay chỉ định áp dụng ngay chế độ điều trị với ba loại thuốc chứ không phải dự phòng, và cũng không chờ các kết quả xét nghiệm khác để xác định tình trạng nhiễm bệnh nữa.

Kết quả xét nghiệm lúc bé được một tháng tuổi cho thấy tải lượng vi-rút giảm đi nhanh chóng và gần như biến mất. Bé được tiếp tục điều trị cho đến 18 tháng tuổi và sau đó người mẹ ngừng đưa con đến bệnh viện, chấm dứt quá trình điều trị.

5 tháng sau, người mẹ đưa bé đến bệnh viện tái khám. BS. Gay lúc đó đã nghĩ rằng tải lượng vi-rút trong máu cháu bé chắc hẳn sẽ cao nhưng các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.

Nghi ngờ các kết quả bị sai lệch, bà chỉ định làm thêm vài xét nghiệm nữa. Bà nói: "Phải nói là quá ngạc nhiên, tất cả kết quả xét nghiệm đều âm tính".
BS. Gay lập tức liên lạc BS. Katherine Luzuriaga, một chuyên gia nghiên cứu miễn dịch của trường ĐH Massachusetts, cũng đồng thời là cộng sự của BS. Persaud trong dự án này (do amfAR, Quỹ nghiên cứu AIDS tài trợ) để ghi chép lại trường hợp này. Những người tham gia dự án nghiên cứu này tiếp tục tiến hành thêm vài xét nghiệm nữa đối với đứa bé. Họ chỉ phát hiện một tải lượng vi-rút rất thấp nhưng chúng không còn khả năng phát triển, thậm chí là gần như bị vô hiệu hóa.

Y văn thế giời từng ghi nhận vài trường hợp hiếm hoi, bao gồm một trường hợp được đăng trên Tạp chí Y khoa New England vào năm 1995, về khả năng 'tự mất hết' vi-rút trong cơ thể những đứa trẻ không hề được áp dụng phương pháp điều trị nào.
Tuy nhiên, những trường hợp này không được công bố rộng rãi do kỹ thuật xét nghiệm lúc đó còn nhiều hạn chế. BS. Joseph McCune, trường ĐH California, San Francisco cho rằng những trường hợp như vậy, cộng với ca mới nhất này cho thấy có thể hệ miễn dịch trẻ sơ sinh có cơ chế hoạt động khác biệt.

Một khả năng là các loại thuốc đã tiêu diệt vi-rút trước khi chúng kịp hình thành cơ chế 'reservoir' - tạm dịch tiềm ẩn - trong cơ thể trẻ. Hiện nay, nguyên nhân chủ yếu khiến bệnh HIV/AIDS không thể chữa khỏi là do vi-rút tồn tại dưới dạng tiềm ẩn trong cơ thể, khiến cho hệ miễn dịch không thể phát hiện và thuốc không có tác dụng. Khi ngưng điều trị bằng thuốc, vi-rút sẽ hoạt động trở lại.
BS. Anthony S. Fauci, GĐ Viện nghiên cứu Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng cho biết: "Từ đây, có thể đi đến một lý thuyết là nếu chúng ta có thể can thiệp trước khi vi-rút hình thành cơ chế tiềm ẩn và làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, thì nhiều khả năng sẽ tiêu diệt được vi-rút và bệnh nhân không cần dùng thuốc nữa". Tuy nhiên, thực tế là ở người trưởng thành, hiếm khi người ta phát hiện sớm mình bị nhiễm bệnh.
BS. Steven Deeks, Giáo sư Y khoa của trường ĐH California, San Francisco lại cho rằng nếu vi-rút chưa kịp chuyển sang dạng tiềm ẩn, thì đây không thể gọi là điều trị được, dù xét về mặt câu chữ phương pháp này nghe có vẻ hợp lý.

Tuy nhiên, cũng như các chuyên gia khác, BS. Steven tin rằng kết quả này có thể mở ra một phương hướng mới trong việc chẩn đoán sớm và chữa trị kịp thời cho trẻ sơ sinh.

Tại Hoa Kỳ, lây nhiễm HIV từ mẹ sang con rất hiếm khi xảy ra - các chuyên gia cho rằng họ chỉ ghi nhận khoảng 200 trường hợp hoặc ít hơn mỗi năm - bởi vì các bà mẹ có nhiễm bệnh đều được điều trị ngay trong quá trình mang thai.
Nếu bà mẹ đã được điều trị trong suốt thai kỳ, trẻ sinh ra thường được chỉ định một loại thuốc dự phòng (AZT) trong vòng sáu tuần, song song với việc tầm soát. Với những trường hợp như đứa bé ở Mississippi, người mẹ không hề được điều trị trong quá trình mang thai, thì liệu pháp có thay đổi nhưng thông thường BS chỉ định hai loại thuốc mà thôi.

BS. Yvonne Bryson, Trưởng khoa nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm ở nhũ nhi thuộc trường ĐH California, Los Angeles cho biết rằng phụ nữ ở các nước đang phát triển khó tiếp cận cơ hội điều trị trong quá trình mang thai. Cụ thể, ở Nam Phi và các nước châu Phi khác vốn thiếu các trang thiết bị và kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến, trẻ do các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra thường chỉ được xét nghiệm sau sáu tuần tuổi.

Còn BS. Bryson, cũng tham gia trong dự án Mississippi, nói rằng bà chắc chắn đứa bé đã nhiễm bệnh và cho rằng phát hiện này là "một trong những điều tuyệt vời nhất tôi từng biết đến".

Người ta sẽ còn cần nhiều nghiên cứu nữa để xem phương thức xét nghiệm và điều trị này có phát huy tác dụng đối với những đứa trẻ khác hay không. So với phương thức ghép tủy (chữa khỏi bệnh cho Timothy Brown) vốn phức tạp và nguy hiểm, phương thức điều trị Mississipi lại có phần đơn giản hơn và có thể trở thành quy chuẩn trong điều trị HIV/AIDS.

Tuy phương thức này sẽ khó áp dụng đại trà ở các nước ngèo, nhưng chi phí cho tổng thời gian điều trị từ 1-2 năm tính ra vẫn thấp hơn nhiều so với khoản tiền "cho trẻ uống thuốc kháng vi-rút suốt đời", theo lời Rowena Johnston, GĐ nghiên cứu của amfAR.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét